Những gương mặt trẻ truyền cảm hứng chinh phục ước mơ
Bằng tinh thần nỗ lực, lòng quyết tâm và kiên trì theo đuổi ước mơ, nhiều HS của Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt thành tích nổi bật trong học tập. Họ đã viết nên những câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng cho mọi người về ý chí vươn đến thành công.
Trần Mạnh Chánh Quân, cựu HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn giao lưu với HS Trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP. Vũng Tàu). |
CHINH PHỤC VINH QUANG
Năm 2017, ngành GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu gây tiếng vang lớn khi em Hoàng Hữu Quốc Huy (HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) giành huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) với điểm số cá nhân cao nhất: 35 điểm. Ngoài ra, Huy còn đạt giải Ba môn Toán trong cuộc thi HS giỏi cấp Quốc gia năm lớp 11 và giải Nhất cũng ở cuộc thi này năm lớp 12. Kết quả ấn tượng của Huy không chỉ mang lại thành tích vẻ vang cho ngành GD-ĐT tỉnh mà còn trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều HS-SV. Sau kỳ tích giành huy chương vàng IMO 2017, Huy đã được biết đến nhiều hơn. Huy được một số trường học mời đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập. Hiện nay, Huy đang theo học ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore). Huy chia sẻ: “Em nghĩ rằng, việc không ngừng trau dồi tri thức, theo đuổi đam mê chính là chìa khóa cho mọi thành công. Em dự tính sau khi tốt nghiệp sẽ trở về Việt Nam làm việc để cống hiến cho đất nước, quê hương”.
Một gương mặt trẻ khác cũng truyền cảm hứng đến nhiều người là Trần Mạnh Chánh Quân (cựu HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn). Quân được nhiều người yêu mến đặt biệt danh “Chim cánh cụt” bởi ảnh hưởng của chứng bại não khiến đôi chân Quân rất yếu, đứng không vững, bàn tay không cầm nổi cây viết, giọng nói ngọng nghịu. Nhưng, khuyết tật về hình hài không ngăn được khát khao học hỏi và giao tiếp với thế giới bên ngoài của Quân. Những năm học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quân đã đạt nhiều thành tích khiến mọi người ngưỡng mộ: Giải Nhất cấp tỉnh, Giải Khuyến khích cấp quốc gia môn Tin học (năm học 2009-2010); HS đầu tiên của tỉnh BR-VT được tài trợ học bổng du học Mỹ; Giải Nhì cuộc thi Code-a-thon (có hơn 50 trường ĐH ở Mỹ tham dự) năm 2015; HCB cuộc thi lập trình ACM-ICPC SER 2016 cho SV các bang miền Đông Nam Hoa Kỳ...
Sáng nay (9/1), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Đài PT-TH tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình “Tung cánh Hải Âu”. Chương trình sẽ gặp gỡ, giao lưu với các thế hệ HS-SV của tỉnh có nhiều thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện. Trong chương trình, Ban tổ chức sẽ trao học bổng cho HS-SV nghèo vượt khó học giỏi. |
Tiến sĩ Evelyn Brannock, Giảng viên Trường Georgia Gwinnett College từng nhận xét về Quân: “Tôi thích gọi Quân là một Da Vinci trong lĩnh vực lập trình. Cậu ấy tạo nên những mã code rất đẹp và những sáng tạo ấy có tiềm năng rất lớn”. Quân cũng đã được Hiệp hội Chuyên ngành công nghệ thông tin (AITP) đề cử danh hiệu “Unsung Hero” (Người hùng thầm lặng). Hoàn thành chương trình học ở Mỹ, cuối năm 2017, Quân về nước và làm việc cho một Công ty Công nghệ thông tin. Quân tâm sự: “Tôi học công nghệ thông tin vì đất nước tôi cần một lập trình viên. Con đường tương lai còn rất nhiều “ngọn núi” phải vượt qua. Nhưng chỉ cần còn được sống, tôi sẽ viết tiếp cuộc đời mình bằng những trang tươi đẹp nhất...”.
THEO ĐUỔI ĐAM MÊ
Từ một học trò nghèo ở huyện Xuyên Mộc, Phan Thanh Sơn Nam (SN 1977) đã nỗ lực vươn lên, trở thành một nhà nghiên cứu khoa học, là GS.TS, hiện đang giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh. Anh chia sẻ: “Con đường nghiên cứu là con đường chông gai, khó khăn, thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Nếu không có đam mê, ý chí quyết tâm, không ngừng học hỏi sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Kiến thức thì thay đổi mỗi ngày, đòi hỏi người nghiên cứu phải không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức mới”. Năm 2018, Phan Thanh Sơn Nam có tên trong danh sách 100 nhà khoa học châu Á. Không chỉ là người đam mê nghiên cứu, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam còn hướng dẫn nhiều SV thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học và đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Những nỗ lực của anh là bệ phóng giúp nhiều SV, học viên cao học đến với những chân trời tri thức.
Là HS giỏi 9 năm liền, nhưng khi học hết lớp 9, Đoàn Minh Tuấn, cựu HS Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu) không thi vào THPT như bao bạn bè khác mà đăng ký học trung cấp nghề tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Quyết định này của Tuấn khiến thầy cô, bạn bè và gia đình khá bất ngờ và cho rằng Tuấn suy nghĩ bồng bột nên ra sức khuyên nhủ cậu nên tiếp tục học văn hóa ở bậc THPT. Tuy nhiên, khi nghe Tuấn vạch ra kế hoạch nghề nghiệp cho tương lai, gia đình lại hết sức ủng hộ. Từ năm 2014-2016, trong khi bạn bè cùng trang lứa học THPT thì Tuấn vừa hoàn thành trung cấp nghề, vừa hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa THPT. Hiện nay, Tuấn đang tiếp tục theo học trình độ CĐ nghề Chế tạo khuôn mẫu tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.
Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh hiện có 4 cơ sở trực thuộc với 7.000 hội viên. Hội đã tổ chức nhiều cuộc vận động, sân chơi cho các hội viên, SV, như: “SV xây dựng môi trường giáo dục tích cực, thân thiện, lành mạnh”, “SV Bà Rịa - Vũng Tàu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “SV thanh lịch”, “Nét đẹp nữ sinh”, Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Chiến dịch Hoa phượng đỏ, Mùa hè xanh… Trong năm học 2019 - 2020, HS-SV trên toàn tỉnh không ngừng ra sức học tập, rèn luyện và đạt được những thành tích tiêu biểu, trong đó, có 10 gương “HS 3 tốt”, 1 tập thể và 11 cá nhân “SV 5 tốt” cấp tỉnh và được Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên tỉnh tuyên dương. (Chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội SV Việt Nam tỉnh) |
Với nhiều người, đáng lẽ phải học lên ĐH để trang bị kiến thức và kỹ năng thì Tuấn lại chọn học nghề. Điều này có vẻ khác thường, song lựa chọn của Tuấn là có cơ sở, bởi học nghề Chế tạo khuôn mẫu không những dễ tìm được việc làm mà còn giúp Tuấn thực hiện được ước mơ mở DN trong lĩnh vực công nghệ 3D. Và rồi với sự giúp đỡ từ gia đình, cách đây 2 tháng, Tuấn đã hiện thực hóa ước mơ đó khi đã thành lập DN hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiểu dáng công nghiệp sử dụng công nghệ 3D. Hiện nay, công ty đã có những sản phẩm đầu tiên cung cấp ra thị trường. Không những vậy, ý tưởng khởi nghiệp khả thi của Tuấn đã được Sở KH-CN tỉnh quyết định hỗ trợ trong giai đoạn 2019-2025. “Tôi nhận thấy nhiều SV chọn sai nghề, khi ra trường thất nghiệp. Do vậy, tôi quyết định học nghề và tôi đã, đang chứng minh lựa chọn của mình là đúng”, Tuấn nói.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã gặt hái nhiều thành tích trong các phong trào học tập của HS-SV. Đây không chỉ là thành quả, niềm tự hào của bản thân, gia đình các em nói riêng mà còn góp phần làm nên thành tích chung của ngành GD-ĐT tỉnh. Trong số đó, nhiều thế hệ HS đã làm rạng danh cho tỉnh. Điển hình như: GS-TS Phan Thanh Sơn Nam, cựu HS Trường THPT Xuyên Mộc trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới 36 tuổi vào năm 2015, hiện là Trưởng khoa Hóa, ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Hay như câu chuyện cảm động về những HS khuyết tật, học tập tốt, được người dân trong nước, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ như Trần Mạnh Chánh Quân… Những tấm gương tiêu biểu ấy đã được các trường học trên địa bàn tỉnh mời đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập nhằm truyền cảm hứng đến các thế hệ HS. Đó là động lực để thế hệ HS hôm nay noi theo, phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Từ đó góp phần nâng cao thành tích chung cho ngành GD-ĐT và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: THANH HƯỜNG