Di tích lịch sử cách mạng Đồn nhà máy nước Vũng Tàu tọa lạc trên đường 30/4, phường 9, TP.Vũng Tàu, nằm giữa Trường THPT Trần Nguyên Hãn và Công ty CP Cấp nước BR-VT. Đồn nhà máy nước tuy chỉ là một di tích có quy mô khiêm tốn, nhưng để lại những giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng với nhiều trận đánh ác liệt, nêu cao tinh thần vì độc lập của quân và dân ta.
Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia Đồn nhà máy nước tọa lạc trên đường 30/4, phường 9, TP.Vũng Tàu. |
Di tích Đồn nhà máy nước Vũng Tàu nằm cách nút giao đường Nguyễn An Ninh – Phạm Hồng Thái - 30/4 (ngã tư Giếng nước) khoảng hơn 50m. Di tích này có chiều dài khoảng 5m, rộng 3,7m, cao gần 4m, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi, xi măng, sắt thép và gỗ. Đây là một công trình quân sự nhỏ, chia làm hai tầng, ngăn cách bằng một bức sàn gỗ, có các lỗ châu mai hướng về bốn phía.
Thời kỳ chiến tranh, địa thế Vũng Tàu (Ô Cấp) có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, nên quân Pháp chiếm đóng đã bắt tay xây dựng bến cảng và sân bay ngay từ khi đặt chân đến Vũng Tàu. Khi đó, tại vùng đất được biển bao bọc này, nước ngọt là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nên người Pháp đã xây dựng hệ thống cấp nước (giếng khoan, nhà máy lọc nước…) ngay tại vị trí gần ngã tư Giếng nước TP.Vũng Tàu ngày nay. Để bảo vệ sân bay, bến cảng và hệ thống đầu nguồn cấp nước cho cả Vũng Tàu, quân Pháp lập một đồn lính nằm ngay bên cạnh nhà máy nước, nên gọi là Đồn nhà máy nước. Đồn này do lực lượng bảo an chiếm giữ với quân số khoảng một đại đội, được trang bị hỏa lực mạnh, án ngữ cửa ngõ Vũng Tàu lúc bấy giờ.
Thời ấy, địch kiểm soát gắt gao việc đi lại của người dân ở khu vực này, khiến cho hoạt động của quân dân ta gặp khó khăn. Vì vậy, Đồn nhà máy nước trở thành mục tiêu cần phải tiêu diệt của lực lượng vũ trang cách mạng. Năm 1948, Ban hành động Cấp, Công an xung phong, Đội trinh sát 51 và lực lượng của Thị đội Cấp đã 2 lần tấn công vào Đồn nhà máy nước, phá đồn, thu 150 súng các loại. Các trận đánh tiến công Đồn nhà máy nước đều rất ác liệt, góp phần tiêu hao sinh lực và hỏa lực địch, ghi dấu chiến công trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân tỉnh BR-VT năm xưa.
Ông Võ Quý Khanh, Phó Phòng VH-TT TP.Vũng Tàu cho biết, năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, chính quyền đặc khu đã cho xây dựng bức phù điêu trước Đồn nhà máy nước kỷ niệm chiến thắng 2 trận đánh đồn năm 1948. Đồng thời, gắn biển khắc nội dung giới thiệu giá trị lịch sử tiến công địa điểm quân sự này. Ngày 4/8/1992, Bộ VH-TT đã ban hành Quyết định số 983VH/QĐ công nhận xếp hạng Đồn nhà máy nước Vũng Tàu là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.
Năm 2007, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc mở rộng đường 30/4, Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh đã tổ chức cuộc họp với Sở VH-TT, Ban Tuyên giáo, Hội Khoa học -Lịch sử, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh... thống nhất đề nghị Cục Di sản Bộ VH-TT cho phép di dời di tích Đồn nhà máy nước Vũng Tàu vào bên trong khoảng 10m so với vị trí cũ để bảo đảm an toàn giao thông.
Hiện nay, di tích Đồn Nhà máy nước đang trong tình trạng xuống cấp. Vì vậy, ngày 4/12/2019, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 251/TTr-UBND gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị thẩm định “Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đồn Nhà máy nước Vũng Tàu” để bảo đảm công tác bảo tồn và tạo mỹ quan cho di tích, giữ gìn những giá trị lịch sử nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của quân dân BR-VT cho các thế hệ mai sau.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG