Tết là mùa của quà tặng, mùa trao yêu thương cho gia đình và cho người thân. Đây là thời điểm tốt nhất để các bậc cha mẹ dạy con cách gửi gắm yêu thương đến mọi người thông qua việc tặng những món quà nho nhỏ.
CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO
Bé Khánh là quý tử của vợ chồng anh Hoàng, sống ở thành thị. Ông bà nội Khánh ở quê, mỗi năm chỉ về thăm một lần vào dịp Tết Nguyên đán nên bé thường xa lạ và bỡ ngỡ với mọi người. Cứ mỗi năm về quê, Khánh đều lấy tiền bỏ ống của mình để mua quà biếu ông bà. Tết năm ngoái, ba mẹ Khánh mua 2 hộp sữa Anlene, gói quà cẩn thận để Khánh tặng ông bà. Khi mang về quê, Khánh đặt mạnh lên bàn nghe cái “cộp” khiến ông bà giật mình. “Tặng cho ông bà đó”, Khánh nói một cách ngắn gọn. Thoáng chút buồn nhưng ông bà cũng kịp rút phong bao lì xì để tặng đứa cháu yêu của mình. Cả hai đều nghĩ, Tết nhất rồi, không nên để gia đình mất hòa khí. Mẹ Khánh đứng đấy cũng rất khó chịu, nghĩ Khánh vô phép cũng một phần lỗi do mình nên kéo con lại khuyên bảo: “Con không nên tặng quà cho người lớn, đặc biệt là ông bà với hành động như thế. Hãy tỏ ra là đứa trẻ ngoan bằng cách trao món quà tận tay ông bà kèm theo lời chúc phúc. Mẹ biết con là đứa trẻ ngoan nhưng chẳng qua là con chưa biết cách trao quà như thế nào cho nhã nhặn, ý nhị. Từ nay hãy thay đổi cách trao quà nghen con”. Khánh nhận ra ngay lỗi của mình, vội khoanh tay xin lỗi ông bà. Ông bà rất vui khi đứa cháu yêu của mình nhận ra bài học nhỏ nhưng rất giá trị này.
Cha mẹ Khánh hứa sẽ cho con mình về quê thường xuyên để Khánh thân thiện với môi trường ở làng quê. Mặt khác giúp cậu quý tử thân mật với ông bà và họ hàng nội, ngoại.
TINH THẦN QUÝ HƠN VẬT CHẤT
Cứ nghĩ ông bà sẽ thích những món đồ quý giá và đây cũng là cơ hội để bù đắp những tháng ngày sống xa ông bà, nên Quân thường chọn những thứ đắt tiền để làm quà tặng. Cha mẹ Quân muốn tôn trọng suy nghĩ của con nên năm nào cũng cho con tự tay chọn quà để tặng ông bà. “Đó là quà gì vậy con trai?”, mẹ Khánh tò mò hỏi nhưng Quân không “bật mí”. Tất nhiên theo suy nghĩ của đứa trẻ sống trong giàu sang, nhà cao cửa rộng thì là những thứ xa xỉ như lắc vàng, giày hiệu và những thực phẩm chức năng giàu chất dinh dưỡng dành cho người già.
Tuy nhiên Quân đã sai lầm. Thứ ông bà cần không phải món quà đắt tiền mà là giá trị ở tấm lòng. Bằng chứng là những thứ Quân tặng, ông bà lặng lẽ để vào tủ kính, chưa hề đụng đến vì nó không phù hợp. Ông bà góp ý chân thành: “Tết năm sau hoặc những ngày lễ, con không nên tặng những món quà đắt tiền nữa. Con chưa làm ra tiền nên hãy biết tiết kiệm cho ba mẹ mình. Điều ông bà cần là tấm lòng của con gửi vào đó chứ ông bà già rồi cần gì dùng đồ hiệu. Ông bà rất yêu cháu và hy vọng cháu thay đổi cách suy nghĩ này”. Bấy lâu nay Quân cứ nghĩ do ông bà sống ở nơi làng quê thiếu thốn vật chất nên Quân muốn cho ông bà tiếp thu cái lạ ở chốn thị thành. Nào ngờ bị tác dụng ngược. Giờ nhận ra khuyết điểm này, Quân hứa là sẽ thay đổi cách suy nghĩ, không làm cho ông bà phiền lòng nữa.
Cái Tết năm nay đến rất gần, món quà mà Quân tặng cho ông bà đã chuẩn bị xong. Đó là cặp kính lão cho bà và những gói trà thơm cho ông. Và đây không phải số tiền ba mẹ đưa, mà do chính tay Quân bỏ ống heo cả năm trời từ tiền ăn sáng. Chỉ chút ít thôi nhưng Quân cảm thấy rất vui khi mình vừa mua được những món quà ý nghĩa, thiết thực.
TRẦN THÁI HỌC