Cần có sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Thứ Bảy, 11/01/2020, 11:22 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, giai đoạn 2016 - 2019 vào sáng 11/1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị; tham dự Hội nghị có ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu.

Theo báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2019 của Bộ Y tế, từ năm 2017 đến 2019, hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các đoàn thể theo các chương trình phối hợp, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội… Chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao. Số cơ sở đã thanh tra, kiểm tra; số cơ sở bị xử lý trung bình/năm; số tiền phạt trung bình/năm tăng lên rõ rệt.

Cụ thể là từ năm 2017-2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trung bình/năm là 712.960 cơ sở (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011-2016); số cơ sở bị xử lý trung bình/năm là 55.207 cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần). Cả nước có 3,3 triệu cơ sở, hộ gia đình đăng ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn (tăng 3 lần).

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh BRVT. Ảnh: PHÚC HIẾU
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh BRVT. Ảnh: PHÚC HIẾU

Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Các địa phương đã tích cực chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, tiêu dùng an toàn thông qua các giải pháp quy hoạch các vùng chuyên canh, thúc đẩy các chuỗi sản xuất an toàn, thúc đẩy áp dụng các công nghệ cao, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Đã có 3.794 sản phẩm đăng ký tiêu chuẩn OCCP (mỗi xã một sản phẩm), trong đó đã có 374 sản phẩm được đánh giá, phân hạng.

Tại BR-VT, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh cho biết, tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm. Qua đó tùng bước chấn chỉnh tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Trong giai đoạn 2017-2019, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 9.900 cơ sở, xử lý hơn 1.000 cơ sở vi phạm, phạt tiền 150 cơ sở, số tiền nộp là 1.929.175.000 đồng.

Tại hội nghị, các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Cần có sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý chặt việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt; thực phẩm nhập khẩu; đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ; công khai thông tin các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm ATTP; xây dựng các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ATTP; nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thực phẩm; tăng chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm..

PHÚC HIẾU

 

;
.