Việt Nam là 1 trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số (DS) nhanh nhất thế giới. Tại BR-VT, tốc độ già hóa DS cũng đang diễn ra nhanh chóng và buộc phải có những giải pháp thích ứng phù hợp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa thăm khám cho bệnh nhân trong chương trình khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi. |
Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa DS, khi mà số người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 10% tổng dân số. Tại BR-VT bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa DS từ năm 2016. Theo bác sĩ Tôn Thất Khoa, sở dĩ BR-VT bước vào giai đoạn này chậm hơn bởi hàng năm số lượng lao động nhập cư, đa số là người trẻ vào tỉnh tương đối cao, nên đẩy số lượng lao động trẻ tăng lên. Tuy nhiên, tại một số địa bàn DS ổn định, ít biến động như huyện Đất Đỏ, Châu Đức, tỷ lệ DS già đang tăng lên. Ngay tại TP.Vũng Tàu là địa bàn có lượng dân nhập cư gia tăng nhanh, thì ở một số phường như phường 1, phường 4, cũng đang gia tăng DS già.
Nguyên nhân già hóa DS chủ yếu là do mức sinh thay thế đang ngày càng thấp. Một mặt do chúng ta kiểm soát mức sinh tốt, mặt khác là do xu hướng của các gia đình ngày càng sinh ít con hơn. Tỷ lệ sinh con ở BR-VT hiện là 1,9 con/cặp vợ chồng (thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con).
●Phóng viên: Già hóa DS có đáng lo ngại không, thưa bác sĩ?
- Bác sĩ Tôn Thất Khoa: Tốc độ già hóa DS nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để chúng ta chuẩn bị thích ứng với DS già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội. DS đang già hóa nên nhu cầu về chăm sóc y tế dài hạn cho NCT sẽ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, NCT còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù hơn người trẻ.
Cả nước hiện có hơn 70% NCT sống cùng con cháu. Tập quán này mang lại nhiều lợi ích cho NCT. Tuy nhiên, xu hướng gia đình truyền thống ở nước ta đang dần chuyển sang gia đình hạt nhân, khiến nhiều NCT trở nên cô đơn. Hơn nữa, đa phần NCT không có tích lũy vật chất, nhiều người vẫn phải làm việc kiếm sống, trong khi NCT rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định.
Già hóa DS là một quy luật tất yếu và chúng ta cần có những biện pháp để thích ứng. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để kéo dài thời gian già hóa để kịp thích ứng trước khi chính thức bước vào giai đoạn DS già.
●Bác sĩ cho biết cụ thể hơn những giải pháp để kéo dài giai đoạn già hóa DS và thích ứng với DS đang già hóa?
- Mục tiêu của chúng ta là kéo dài giai đoạn già hóa DS ít nhất từ 10-20 năm và có thể lên đến 20-30 năm khi chính thức bước vào giai đoạn DS già. Để thực hiện điều này, mức sinh cần phải cao hơn. Do đó, chính sách DS của tỉnh hiện nay đang tập trung duy trì mức sinh thay thế. Trước đây, chúng ta khuyến khích mỗi cặp gia đình chỉ sinh từ 1-2 con, thì bây giờ là sinh đủ 2 con.
Để thích ứng với việc DS già hóa nhanh, chúng ta cần phải xây dựng những chính sách phù hợp nâng cao chất lượng sống cho NCT. Đặc biệt là việc phát triển các dịch vụ chăm lo sức khỏe, y tế, đời sống văn hóa tinh thần cho NCT, phát triển các dịch vụ xã hội hóa chăm sóc, phụng dưỡng NCT. Riêng trong công tác chăm sóc sức khỏe NCT của ngành y tế, trong những năm qua, mạng lưới chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh cũng đang dần được thiết lập. Tính đến nay, tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đều đã thành lập khoa tim mạch - lão học nhằm tăng cường công tác khám chữa bệnh chuyên khoa các bệnh mãn tính cho NCT. Ngoài ra, ngành y tế cũng đang triển khai các chương trình quản lý bệnh mãn tính, mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế chủ yếu phục vụ cho đối tượng NCT…
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tập trung vào thay đổi nhận thức, hành vi của người trẻ trong việc chăm sóc NCT. Chẳng hạn, trong gia đình, con cháu cần phải quan tâm đưa cha mẹ, ông bà đi khám sức khỏe định kỳ; dành thời gian quan tâm trò chuyện, khuyến khích, tạo điều kiện cho cha mẹ, ông bà tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội tại nơi sinh sống. Về phía cộng đồng, xã hội, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền cần tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những NCT cô đơn, không nơi nương tựa.
●Xin cảm ơn bác sĩ!
MINH THIÊN (Thực hiện)