Hiệu quả từ vay vốn khởi nghiệp nuôi dê
Hơn 2 năm qua, mô hình cho vay vốn khởi nghiệp nuôi dê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc đã mang đến nhiều hiệu quả tích cực. Nhiều chị em hội viên khó khăn, hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế gia đình và giúp đỡ cho nhiều hộ khó khăn khác.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương chăm sóc đàn dê của gia đình. |
Nhận thấy địa bàn xã Bàu Lâm đặc thù nông nghiệp là chính, Hội LHPN xã Bàu Lâm đã chọn mô hình khởi nghiệp nuôi dê để thực hiện và nhận được sự đồng tình của đa số chị em hội viên. Theo đó, mỗi chị em hội viên sẽ nhận được nguồn vốn vay 10 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội LHPN xã để nuôi dê kết hợp trồng tiêu lấy lá cây gòn, cây keo làm thức ăn cho dê. Đồng thời, nguồn phân dê sẽ được bón cho cây tiêu, cây gòn nhằm tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn hỗ trợ thủ tục để chị em hội viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi khác.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương (ấp 2 Tây, xã Bàu Lâm) cho biết, năm 2012, từ nguồn vốn hơn 6 triệu đồng của gia đình, chị Sương nuôi 4 con dê sinh sản nhưng do không có kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi nên thời gian đầu dê ốm yếu, sinh sản kém, không cho lợi nhuận. Năm 2017, được Hội LHPN xã hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng vốn khởi nghiệp, chị đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm 5 con dê mẹ. Chị Sương trồng thêm hơn 1 sào cỏ sả để có thêm thức ăn cho dê, mua máy cắt cỏ, qua đó tiết kiệm được thời gian chăm sóc. Nhờ được Hội LHPN xã giới thiệu dự lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho dê, học hỏi kinh nghiệm từ những hội viên khác, nên việc nuôi dê của chị Sương đã từ đó phát triển hơn.
Hiện nay, chị Sương đã phát triển đàn dê lên hơn 40 con. Trong 2 năm qua, mỗi năm chị Sương thu về hơn 100 triệu đồng từ việc bán dê thịt. Vừa chăn nuôi dê kiếm thêm thu nhập, lại có thời gian chăm sóc gia đình, làm thêm các công việc nhà, chị Sương đã nhận được nhiều giấy khen của các cơ quan, đơn vị về thành tích trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế năm 2018. “Nhờ được Hội LHPN xã hỗ trợ kịp thời nguồn vốn và được theo học các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc dê, nên việc nuôi dê của tôi đạt hiệu quả cao. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững và giúp đỡ được cho nhiều chị em khác”, chị Sương chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (ấp 2B, xã Bàu Lâm) thuộc diện gia đình khó khăn. Chồng đi làm phụ hồ, chị phải ở nhà chăm sóc con nhỏ. Năm 2017, chị Thúy được Hội LHPN xã hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng, xây dựng chuồng trại và mua 4 con dê mẹ để nuôi. Năm 2018, chị Thúy mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi dê. Hiện tại, đàn dê nhà chị Thúy có 18 con, gồm 8 dê mẹ đang mang thai, 10 con dê thịt khoảng 10kg nuôi thêm hơn 1 tháng nữa có thể xuất bán. Dự kiến trong thời gian tới, đàn dê nuôi sẽ mang đến cho gia đình chị khoản thu nhập khá.
Gia đình chị Thúy hiện đã vươn lên thoát nghèo do có thêm thu nhập từ chăn nuôi dê, đồng thời đóng góp vào nguồn quỹ của Hội LHPN xã để hỗ trợ các chị em hội viên khác. “Công việc chăn nuôi dê không tốn nhiều thời gian, việc chăm sóc dê không khó, nên chị em phụ nữ có thể vừa chăm sóc gia đình vừa nuôi dê. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm chuồng trại, trồng thêm cỏ voi, cỏ sả để chủ động nguồn thức ăn cho dê vào mùa nắng, tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập”, chị Thúy cho hay.
Chị Lê Thị Thanh Sang, Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Lâm cho biết, Hội LHPN xã đã phối hợp với Phòng NN-PTNT của huyện, UBND xã Bàu Lâm vận động chị em hội viên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật chăn nuôi dê, chăm sóc thú y; Phối hợp với Hội Nông dân cùng tham gia các chương trình học ngắn hạn 3 tháng để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về nuôi dê và chuyển giao kỹ thuật, cải thiện, nhân rộng mô hình nuôi dê cho các chị em trong Hội.
Ngoài ra, Hội LHPN xã còn vận động chị em hội viên thành lập các tổ tiết kiệm, tổ tương trợ, tổ xoay vòng vốn để góp vốn giúp đỡ cho các hội viên khó khăn với lãi suất vay thấp để phát triển kinh tế gia đình. “Hiện có 30 gia đình chị em phụ nữ vay vốn khởi nghiệp nuôi dê từ nguồn quỹ của Hội LHPN xã và vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng đàn dê nuôi hơn 1 ngàn con. Hầu hết chị em phụ nữ vay vốn nuôi dê đều mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống gia đình hơn trước đây”, chị Lê Thị Thanh Sang nhận định.
Bài, ảnh: BÍCH NGỌC