Hôm rồi, tới nhà chị bạn, trong lúc chúng tôi ngồi uống trà ở phòng khách, bé Na, đứa con gái 13 tuổi của chị chạy ra gọi: Con muốn ăn mỳ gói, mẹ nấu giúp con. Tôi khá ngạc nhiên, khi chị ấy bảo: Em chờ chị chút, chị nấu gói mỳ cho con bé rồi ra ngay. Chừng 15 phút sau chị bê tô mỳ lên bàn ăn, không quên lấy thêm đũa, muỗng bày sẵn.
Thấy thế, tôi góp ý: Chị nên dạy cho con bé làm những việc trong nhà… Chị tỏ vẻ không vui, còn nói: “Nhà có nhiều việc gì cho cam mà bắt con phải làm. Đời mình cực khổ rồi, bây giờ có điều kiện nên để cho con sung sướng”. Tôi không nghĩ vậy, tôi nói với chị rằng: Trẻ con bây giờ không thiếu cái ăn, cái mặc thậm chí là quá đủ đầy, nhưng các con thiếu kỹ năng sống. Chị thử nghĩ xem, sau này nếu con đi học xa, ở một mình không có cha mẹ, không có người giúp việc thì ai sẽ nấu cơm, dọn phòng cho con? Nếu không tập thói quen sạch sẽ, ngăn nắp từ nhỏ thì sau này sẽ ngại làm, sẽ lười biếng.
Tôi biết, bạn tôi không phải trường hợp ngoại lệ, mà nhiều bậc phụ huynh xuất phát từ việc thương và chiều con “không đúng cách” nên đã làm thay con làm tất cả mọi việc hoặc phó mặc cho người giúp việc. Họ quên mất rằng, dạy trẻ làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ không chỉ hình thành thói quen tốt còn giúp trẻ trân trọng giá trị của lao động, biết quý trọng bản thân và giúp đỡ người khác.
Một bữa khác, tới nhà một người quen, thấy cậu con trai 12 tuổi đang lúi húi làm món cánh gà chiên nước mắm trong bếp, những động tác từ ướp món ăn, chiên gà cho tới bày món ăn ra đĩa được thực hiện một cách thuần thục khéo léo tôi thật ấn tượng. Ba cháu khoe: Hôm nay, ngày nghỉ nên con trai tự tay vào bếp làm món ngon đãi ba mẹ. Anh còn cho biết: Từ hồi bé xíu, cháu đã biết tự vệ sinh cá nhân, xếp quần áo, lấy sữa bỏ vào ba lô mỗi sáng trước khi đến lớp mẫu giáo. Lớn hơn chút thì anh chị đã dạy cháu làm các việc lau bàn, quét nhà, lau nhà, rửa chén bát, bỏ đồ vào máy giặt, phơi đồ, nấu mỳ gói, nấu cơm… Nói chung, tùy theo độ tuổi và sự trưởng thành của con, anh chị sẽ dạy con làm việc theo tuổi. Dạy con là cả một hành trình, không phải một bữa, một ngày là xong. Từ khi con lên 5 tuổi, từ những công việc như: nấu cơm, rửa chén, lau nhà ba mẹ cùng làm và nhờ con giúp. Tập cho con hút bụi, dọn nhà mỗi tuần. Tập nấu cơm, rửa chén. Tập đi mua những món đồ lặt vặt... Sau mỗi việc con làm dù vừa ý hay không ba mẹ phải là người cổ vũ, động viên, cứ thế, bây giờ dù ba mẹ có vắng nhà cháu cũng tự lo được. Chị nói: Nhiều lúc cũng “xót” con nhưng để con lớn lên tự lập được trong mọi hoàn cảnh, chống chọi được với mọi nghịch cảnh thì phải cho con chịu cực trước đã. Bởi ba mẹ không thể là bạn đồng hành của con mãi mãi!
Tôi biết, khi chia sẻ về việc nên để cho trẻ làm việc nhà, không ít phụ huynh sẽ tặc miệng rằng: Nên ưu tiên cho con dành thời gian vào việc học, việc nhà lớn lên ắt sẽ biết chưa muộn. Một số người “ngại” dạy con với rất nhiều lý do: Sợ bị vỡ đồ, lau nhà không sạch, con làm rồi mẹ mất công dọn lại… Thế nhưng, theo các nhà tâm lý, dạy việc nhà cho trẻ nên dạy từ khi trẻ còn bé, để giúp bé có ý thức và trách nhiệm. Và thường những đứa trẻ hình thành thói quen làm việc nhà từ nhỏ thường tự lập sớm, biết chịu trách nhiệm với việc mình làm. Đây là phẩm chất cần thiết cho trẻ khi lớn lên.
TRÀ NGÂN