Sáng 20/12, Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh phối hợp với Sở VH-TT, Sở Du lịch và Bảo tàng tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo tồn, khai thác di tích lịch sử, văn hóa góp phần phát triển du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu”.
Ông Nguyễn Văn Xinh (giữa), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Đỗ Nguyệt Hương (thứ hai, bên phải), Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh; ông Nguyễn Đình Trung (bìa trái), Giám đốc Sở VH-TT; bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch và ông Phạm Chí Thân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh chủ trì hội thảo. |
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các nhà sử học, chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ tại TP. Hồ Chí Minh; bảo tàng các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và đại diện các sở, ngành, các DN du lịch địa phương.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Trong diễn văn khai mạc hội thảo, bà Đỗ Nguyệt Hương, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu có 49 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã khai thác giá trị di tích để giáo dục truyền thống cách mạng, phát triển du lịch tâm linh, du lịch về nguồn. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo tồn, khai thác tiềm năng di tích lịch sử, văn hóa còn nhiều bất cập. Hội thảo nhằm đánh giá về công tác quản lý, bảo tồn, khai thác di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đưa ra những giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch.
Những năm qua, tỉnh đã khai thác giá trị di tích để giáo dục truyền thống cách mạng, phát triển du lịch tâm linh, du lịch về nguồn. Trong ảnh: Du khách tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định: Hệ thống di tích bước đầu đã được khai thác, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước; quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Bà Rịa-Vũng Tàu với cả nước và thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý, bảo tồn, khai thác di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh một số di tích đã phát huy giá trị vẫn còn không ít di tích đang xuống cấp. Một số không gian của di tích bị chiếm dụng. Bộ máy quản lý nhà nước di tích chưa thống nhất. Kinh phí dành cho trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. “Đó là những vấn đề đã, đang đặt ra, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh phải tiếp tục có nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn, quan tâm đầu tư đúng mức hơn và hành động quyết liệt hơn nhằm bảo tồn và khai thác tối đa lợi thế của di tích, góp phần trong công cuộc xây dựng quê hương Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh”, ông Nguyễn Văn Xinh khẳng định.
Tại hội thảo, ý kiến tham luận của các đại biểu tập trung vào một số vấn đề: Thực trạng hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh với tiềm năng và chiến lược phát triển kinh tế du lịch; Huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn, phát huy di tích phục vụ du lịch; Nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn trong công tác quản lý, hướng dẫn, marketing, quảng bá di tích lịch sử, ứng dụng khoa học công nghệ để phát huy giá trị di tích; Các giải pháp bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên...
Tin, ảnh: NGUYỄN PHONG