Gỡ bất cập trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Ngày 16/12, tại TP. Vũng Tàu, Bộ LĐTBXH tổ chức hội thảo giải pháp nhằm hạn chế và khắc phục những bất cập trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Các đại biểu đến từ Sở LĐTBXH, BHXH của 32 tỉnh, thành phố (từ Đà Nẵng trở vào) đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách BHTN trong thời gian tới.
Thời gian qua, cơ quan BHXH đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT, BHTN. Trong ảnh: Đại diện các đơn vị sử dụng lao động nhận quyết định thanh tra BHXH của cơ quan BHXH trong năm 2019. |
NHIỀU VƯỚNG MẮC
Chính sách BHTN bắt đầu thực hiện từ năm 2009 đến nay. Đây được xem là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động (NLĐ) khi thất nghiệp, góp phần duy trì cuộc sống cho NLĐ. Qua 10 năm thực hiện, chính sách BHTN cơ bản đã hoàn thiện. Việc tổ chức thực hiện đã đi vào nề nếp, NLĐ và người sử dụng lao động (LĐ) đồng tình đón nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn nhiều bất cập.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng BHTN, Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ tham gia BHTN sau khi thất nghiệp tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này tương đối thấp, chưa có hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại trong quá trình học nghề, dẫn đến khó khăn cho những người tham gia học nghề. Thời gian hỗ trợ học nghề chỉ 6 tháng nên những người thất nghiệp có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao không đủ thời gian để tham gia các khóa học nghề trình độ trung cấp và CĐ theo diện chuyển đổi nghề phù hợp với yêu cầu của người sử dụng LĐ. Bên cạnh đó, Luật Việc làm có quy định về chi cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ từ nguồn Quỹ BHTN. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc chi cho hoạt động này.
Ông Tú cũng chỉ ra nhiều sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra về BHTN. Đó là một số NLĐ và đơn vị sử dụng LĐ chưa thực hiện đúng quyền và trách nhiệm trong quá trình tham gia và hưởng BHTN. NLĐ đã có việc làm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hoặc có việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định; thỏa thuận với cơ sở dạy nghề làm giả hồ sơ để trục lợi tiền hỗ trợ học nghề. Tình trạng đơn vị tham gia BHTN cho NLĐ chậm so với quy định hoặc trốn đóng BHTN, hoặc đóng không đầy đủ còn phổ biến, thậm chí lách luật bằng cách ký hợp đồng dưới 3 tháng để không phải đóng BHTN cho NLĐ.
Ngoài ra, tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHTN diễn ra tại nhiều địa phương nhưng việc thu hồi không hề đơn giản. Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số tiền phải thu hồi từ các đối tượng hưởng chính sách BHTN là hơn 71,9 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thu được hơn 24,6 tỷ đồng. Những đối tượng bị thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp là do NLĐ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp sai quy định.
Ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh BR-VT dẫn chứng, toàn tỉnh có hơn 180 ngàn NLĐ tham gia BHTN. Trong năm 2019, BHXH tỉnh đã chi trả BHTN cho hơn 16 ngàn trường hợp, với hơn 220 tỷ đồng. Trong số các đối tượng được chi trả BHTN, có 216 trường hợp phải thu hồi với số tiền hơn 1 tỷ đồng. BHXH và Sở LĐTBXH đã thu hồi được 144 trường hợp. “Những đối tượng này đã đi khỏi địa bàn nên việc xác minh thông tin về chỗ ở, việc làm… để thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp rất khó khăn”, ông Tuấn nói.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Trong ảnh: Người lao động của Công ty TNHH MTV An Thành (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) trong giờ sản xuất. (Hình mang tính minh họa). |
CẦN PHỐI HỢP CHẶT CHẼ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Thanh tra Chính sách BHXH (Bộ LĐTBXH) nhận định, để thực hiện có hiệu quả và đúng quy định về chính sách BHTN, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Ông Tuấn đề xuất hình thành cơ sở dữ liệu về thu, chi, quản lý đối tượng tham gia và hưởng BHTN trên phạm vi toàn quốc, tiến tới điện tử hóa quá trình thu, chi BHTN. Cùng với đó, xây dựng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa Trung tâm dịch vụ việc làm và DN trong khai báo nhu cầu sử dụng LĐ, tuyển dụng LĐ, thông báo biến động LĐ trên địa bàn. “Giữa các cơ quan như LĐTBXH, BHXH, thuế, đơn vị sử dụng LĐ cần chia sẻ, kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu trong việc quản lý, giải quyết các chế độ BHTN cho NLĐ”, ông Tuấn nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng Phòng Chế độ BHXH (BHXH TP. Hồ Chí Minh) đề xuất giải pháp thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp từ các trường hợp được hưởng sai quy định. Theo đó, khi NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lần thứ 2, nếu phát hiện không đủ điều kiện hưởng chế độ BHTN lần đầu thì Sở LĐTBXH ra quyết định thu hồi trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thu hồi tiền trực tiếp từ NLĐ và nộp về Quỹ BHXH. Đối với những trường hợp NLĐ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp sai quy định buộc phải thu hồi mà không liên lạc được thì gửi công văn cho các trung tâm dịch vụ việc làm trong cùng hệ thống đề nghị hỗ trợ thu hồi; đồng thời chuyển danh sách NLĐ chưa nộp lại tiền bị thu hồi lên website của trung tâm dịch vụ việc làm và công khai danh sách NLĐ bị thu hồi trợ cấp thất nghiệp tại chi nhánh BHTN.
Trong 11 tháng năm 2019, cả nước có 13,24 triệu người tham gia BHTN, thu được số tiền 15.477 tỷ đồng. Các địa phương đã chi trả các chế độ BHTN cho NLĐ với số tiền 6.735 tỷ đồng.
Thực hiện tốt chính sách BHTN là mục tiêu chung của cả ngành BHXH và LĐTBXH. Do vậy, các ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chính sách BHXH. Từ đó, góp phần thực hiện chính sách BHTN đúng quy định và đạt hiệu quả, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi cho NLĐ và đơn vị sử dụng LĐ.
(Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH)
|
Ông Trần Tuấn Tú cho rằng, thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống pháp luật BHTN, trong đó nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN theo hướng hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho DN và NLĐ. Đồng thời, cần nâng mức xử phạt, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả và bổ sung thêm các hành vi vi phạm về chính sách BHTN để tăng tính răn đe, tuân thủ quy định pháp luật của NLĐ, người sử dụng LĐ trong quá trình thực hiện BHTN. Song song đó, cần tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của NLĐ và đơn vị sử LĐ về các quy định tham gia BHTN lẫn các hành vị, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BHTN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát tình hình tham gia và hưởng chính sách BHTN để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp có biểu hiện trục lợi Quỹ BHTN.
HỒNG PHƯƠNG