Di chỉ khảo cổ Long Sơn: Dấu ấn của cư dân cổ vùng đất ven biển

Thứ Sáu, 06/12/2019, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Quá trình tìm kiếm, khai quật khảo cổ học (KCH) đã đem lại nhiều hiểu biết về lịch sử, về một nền văn hóa bản địa thời tiền sơ sử trên vùng đất BR-VT. Trong đó, di chỉ khảo cổ ở Long Sơn được phát hiện khá sớm.

Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khoa học nhận định Long Sơn là vùng đất ven biển được người dân đến cư ngụ sớm  Trong ảnh: Một góc khu cửa sông Chà Và - Long Sơn
Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khoa học nhận định Long Sơn là vùng đất ven biển được người dân đến cư ngụ sớm Trong ảnh: Một góc khu cửa sông Chà Và - Long Sơn

Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh, Long Sơn là hòn đảo được che chắn các cửa sông Thị Vải, sông Chà Và, sông Mũi Dùi và sông Dinh. Long Sơn là cửa ngõ giao thông đường thủy rất quan trọng của khu vực Đông Nam bộ, là điểm hội tụ dân cư rất sớm, có mối giao lưu với nhiều địa phương vùng Nam bộ. Các cuộc khai quật KCH năm 2003, 2005 tại Long Sơn đã hé mở một góc nhìn mới mẻ, thú vị về vùng đất này. Với loại hình di chỉ khu vực mộ táng, sau khi khảo sát, các nhà khảo cổ đã khai quật 650m2 và phát hiện 80 cụm mộ nồi, mộ đất, các đợt khảo cổ đã thu được 2.310 hiện vật. Trong đó, có 2.043 hiện vật là đồ trang sức với chất liệu bằng gốm, thủy tinh, đá quý, kim loại… Những di tích, di vật phát hiện được cho thấy, các địa điểm này có niên đại cách nay khoảng 2.000-3.000 năm. Những di tích, di vật này là nguồn sử liệu quý báu để tìm hiểu về lịch sử giai đoạn đầu Công nguyên của vùng đất BR-VT nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung. Ngoài ra, những phát hiện KCH ở Long Sơn còn cho thấy vào thời sơ kỳ kim khí, trên địa bàn BR-VT, đặc biệt là vùng đồng bằng ven biển, vùng đầm lầy cửa sông biển và hải đảo như xã đảo Long Sơn trước đây, cộng đồng cư dân đã hình thành nhiều làng cổ sơ khai, trù phú.

Gần đây nhất, năm 2014, các nhà KCH đã phát hiện thêm nhiều di tích cư trú, mộ táng và thu thập được bộ sưu tập hiện vật có giá trị nghiên cứu lịch sử, văn hóa cùng nhiều thông tin khoa học liên quan về vùng đất Long Sơn có giá trị lịch sử lâu đời với quá trình tụ cư của các cư dân cổ. Cụ thể, tại các địa điểm: Gò Trâm Bầu 1, bãi Cá Sóng, giồng Ông Trượng… đoàn phát hiện được gạch, gốm và các mảnh xỉ lò, bước đầu được xác định thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo, niên đại khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Theo Bảo tàng tỉnh, đây là các dấu tích cư trú của cư dân ven biển, hình thức cư trú là các nhà sàn được dựng lên trên khu vực sình lầy, ngập mặn.

Riêng tại bãi Cá Sóng, các nhà khảo cổ đã thu thập được nhiều hiện vật có giá trị: 17 hiện vật rìu tứ giác, rìu có vai, mảnh vỡ rìu giống với các loại hình văn hóa Đồng Nai; 12.872 mảnh gốm; khuyên tai; linga… Còn tại địa điểm Gò Trâm Bầu 1, các nhà KCH phát hiện một khu đất cao hơn so với mặt bằng xung quanh trên 1m, hiện nay được sử dụng để dựng chòi chứa muối. Khảo sát bề mặt gò có nhiều mảnh gạch xuất lộ. Căn cứ vào địa tầng và hiện vật thu được trong các hố thám sát, các nhà KCH xác định địa điểm này là lò nung gạch của cư dân cổ.

Dựa vào các loại hình di vật đồ gốm, đồ trang sức, công cụ, địa tầng… có thể tìm ra mối liên hệ nguồn gốc cũng như sự giao lưu văn hóa kỹ thuật ở Đông Nam Á thời tiền sử. Theo các nhà KCH, các di vật của Giồng Lớn Long Sơn có nhiều nét tương đồng với văn hóa Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi); Giồng Phệt, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)… Ông Trần Văn Triêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ tại tất cả các huyện, thị trên địa bàn tỉnh và thu được nhiều cổ vật có giá trị, cho thấy dấu tích văn hóa của người xưa, trong đó có các cuộc khai quật lớn tại xã Long Sơn. Ông Trần Văn Triêm khẳng định, qua nhiều đợt khai quật, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận thêm hàng ngàn hiện vật, làm giàu thêm di sản văn hóa của địa phương, phục vụ cho việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, tham quan của người dân và du khách. Những giá trị văn hóa, lịch sử từ các cuộc khảo cổ học ở Long Sơn là dấu ấn lịch sử BR-VT, chứng minh vị trí của vùng đất xứ Mô Xoài xưa (TP.Bà Rịa, huyện Đất Đỏ và Long Điền ngày nay) trong tiến trình lịch sử Nam bộ nói riêng và lịch sử nước ta nói chung.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

(Còn tiếp)

;
.