Những dấu vết văn hóa tiền sơ sử mà các nhà khảo cổ học phát hiện gần đây đã minh chứng cho một đời sống phong phú, đa dạng của cộng đồng cư dân cổ ven sông Thị Vải. Năm 2002, trong chương trình phối hợp giữa Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng tỉnh, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu hiệu của những tầng tích một nền văn hóa phong phú đã phôi phai qua hàng thế kỷ.
Một số công cụ đá được phát hiện trong tầng văn hóa tại di tích Gò Cây Me. |
Gò Cây Me thuộc phường Tân Hòa, TX. Phú Mỹ được phát hiện năm 2002, đợt điều tra khảo sát lập bản đồ di tích khảo cổ, đây là địa điểm nằm giữa khu vực đầm nuôi tôm, ruộng muối và rừng ngập mặn. Xung quanh gò phía Nam, Tây và Bắc là thảm xanh ngút ngàn của rừng ngập mặn với các loại cây mắm, đước… Phía dưới là các loại thủy hải sản sinh sống: cá, cua, tôm, các loại nhuyễn thể là nguồn thực phẩm cung cấp cho những người dân ven biển của địa phương. Hố khai quật được mở theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Tổng số diện tích khai quật và đào thám sát là 300m2. Tầng văn hóa trong hố khai quật có sự thống nhất về quá trình hình thành. Lớp đất xáo trộn màu nâu nhạt, tơi xốp, dày trung bình 0,2m-0,3m, lớp đất này sâu tới 0,8m-1,0m, do dân đào hầm đốt than (đất lẫn nhiều tro đen) và mộ chôn người hiện đại. Đặc biệt ở lớp này đã gặp và xử lý 10 bộ hài cốt hiện đại chôn vùi sơ sài, có mộ chôn cách mặt đất có 0,1m. Lớp đất màu nâu đen, nâu nhạt có kết cấu chặt hơn, dày trung bình 0,4m-0,7m, xen lẫn trong lớp đất này là các vỉa đất phèn kết rất cứng lẫn nhiều vỏ nhuyễn thể dày 0,1m-0,2m. Lớp đất màu nâu đỏ dày trung bình 0,2m-0,4m phân bố đều khắp mặt bằng hố, xen lẫn lớp đất này đôi chỗ là lớp tro than màu sáng trắng, xám đen… Lớp đất màu xám xanh kết cấu dẻo mềm dày 0,15m-0,35m. Trong lớp đất này đôi chỗ vẫn xen lẫn lớp đất nâu đỏ (dày 0,05m-0,1m) và những lớp tro mỏng. Lớp cuối cùng là sinh thổ là đất sét trắng xanh, kết cấu dẻo quánh. Bề mặt sinh thổ không bằng phẳng, cao nhất ở phía Đông Bắc, rồi thoải dần về góc Tây Nam. Trên bề mặt sinh thổ có nhiều hố đất đen nhỏ với nhiều hình thù và kích thước khác nhau. Trong các hố này có lẫn tro than, mảnh gốm nhỏ, xương động vật đã bị mủn nát. Kết quả thu được 226 hiện vật và hàng vạn mảnh gốm. Đồ đá gồm 178 tiêu bản các loại: rìu, cuốc, bôn, đục, bàn mài, hòn ghè… Đồ đá ở đây có nhiều nét tương đồng với Gò Cá Sỏi. Đồ xương có 26 tiêu bản gồm các loại hình công cụ sản xuất trong đó chiếm chủ đạo là các loại mũi nhọn hai đầu. Trong lần khai quật lần này phát hiện một tiêu bản hiện vật xương giống như một mũi lao có ngạnh. Đồ xương có nhiều nét tương đồng với sưu tập đồ xương ở di chỉ Rạch Núi (Cần Giuộc - Long An). Ngoài ra còn có một phác vật rìu xương có vai cũng là loại hình hiếm gặp…
Đồ gốm có số lượng phong phú nhất gồm 22 tiêu bản nguyên, gần nguyên có thể gắn chắp phục dựng như: nồi, bát, bát bồng, cốc, đạn câu cua, bi gốm… đặc biệt là hiện vật gốm hình mai rùa, đây có thể là mô hình cà ràng minh khí. Các loại hình gốm là nồi, vò, bình, bát bồng, đĩa, cốc, cà ràng… Gốm Gò Cây Me chủ yếu là gốm thô và gốm mịn, làm bằng tay, xương gốm trộn thêm bã thực vật, vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ và cát. Đặc trưng hoa văn trang trí văn thừng, văn chải và chủ yếu là nặn bằng tay. Trong các tầng văn hóa còn tìm thấy các tàn tích của cư dân cổ như bếp than, xương động vật biển, vỏ nhuyễn thể, vỏ dộp, ốc len, ốc ngựa.
Di chỉ khảo cổ Gò Cây Me thuộc loại hình cư trú ngoài trời, trên gò đất cao của khu vực ven biển có những nét tương đồng với di chỉ Rạch Núi, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm. Với những đặc điểm riêng, tạo nên một mảnh ghép độc đáo của bức tranh thời tiền - sơ sử của khu vực Đông Nam Bộ trở nên phong phú và đa dạng.
NGUYỄN DUYÊN TÂM