Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có không ít người chủ động đăng ký tham gia hiến tạng, gửi đi thông điệp nhân văn sâu sắc và có sức lan tỏa.
Cô Nguyễn Thị Thúy (thứ hai từ trái sang) và cô Mai Thị Mai cùng các GV trong Trường THPT Nguyễn Du tìm hiểu phương pháp truyền thông về hiến tạng khi qua đời từ tài liệu của Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp. |
Với quan niệm “cứu người, duy trì cuộc sống mãi mãi”, nhiều người đã tự tìm hiểu và tình nguyện đăng ký hiến tạng ở dạng tiềm năng (hiến tặng sau khi qua đời). Cô Nguyễn Thị Thúy, GV môn Công nghệ của Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức) là một trong số đó. Cô là người đầu tiên của trường tham gia đăng ký hiến tạng. Cô Thúy chia sẻ, từ lâu cô rất ngưỡng mộ bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) - người có nhiều nghiên cứu khoa học về hiến tạng. Do vậy, mỗi khi có cơ hội, cô Thúy dành nhiều thời gian tìm hiểu các thông tin về hiến tạng. Cô mạnh dạn liên hệ với bác sĩ Thu và được bác sĩ Thu hướng dẫn đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm hiểu về hoạt động hiến tặng mô tạng... Khi đến bệnh viện, cô cảm thấy xót xa và thương cảm cho những người bệnh đang chờ được ghép tạng. Từ đó, cô càng cảm thấy việc đăng ký hiến tạng hoàn toàn đúng đắn. “Mọi người trong gia đình tôi đều ủng hộ hành động của tôi. Tôi muốn rằng, sau này, khi tôi qua đời, một phần cơ thể của mình có thể cứu người khác. Tôi cũng muốn sẽ có nhiều người đăng ký tham gia hiến tặng mô tạng”, cô Thúy chia sẻ.
Hành động của cô Thúy đã tạo sự lan tỏa đến cán bộ quản lý, GV, công nhân viên và HS của Trường THPT Nguyễn Du. Có thêm 19 GV khác cùng tham gia đăng ký hiến tạng. Cô Mai Thị Mai, GV môn Giáo dục công dân cho hay, cách đây vài năm, cô biết đến gương Thiếu tá Lê Hải Ninh ở Ninh Bình từ việc hiến tạng đã cứu sống 6 người. Thời điểm đó, cô cũng từng có ý định đăng ký hiến tạng nhưng chưa thực hiện, vì lúc bấy giờ việc đăng ký hiến tạng vẫn còn là điều xa lạ. “Khi cô Nguyễn Thị Thúy tham gia đăng ký hiến tạng, tôi như được tiếp thêm động lực để tham gia. Bây giờ, tôi thấy việc làm của mình đơn giản nhưng lại rất có ý nghĩa”.
Điều kiện để tham gia hiến tạng là người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Trên cả nước có hai địa chỉ đăng ký hiến tạng gồm: Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (ở 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.Hồ Chí Minh) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Hà Nội (ở 40 Tràng Thi, TP.Hà Nội). Các bước đăng ký hiến tạng của người cho là người chết não gồm: Đơn vị điều phối tạng đăng ký tiếp nhận người hiến tạng; giải thích, tư vấn cho thân nhân người hiến; xét nghiệm kiểm tra toàn bộ về người hiến tạng gồm nhóm máu, HLA, chức năng tạng hiến, các bệnh lý nhiễm trùng... Chọn người nhận tạng phù hợp từ danh sách chờ ghép. Xét nghiệm kiểm tra lần cuối sự tương thích giữa người cho và người nhận. Tiến hành phẫu thuật lấy tạng và ghép tạng. Chăm lo hậu sự cho người hiến tạng. |
Trước đó không lâu, anh Phan Trung Hiếu, ở 74/15/7 đường Trương Công Định (TP.Vũng Tàu) cũng đã đăng ký tham gia hiến tạng tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy). Anh Hiếu kể: “Sau khi đăng ký hiến tạng, tôi đã chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội và được rất nhiều người đồng tình. Tôi hy vọng việc làm của mình sẽ được nhiều người biết đến và cùng thực hiện để hành động nhân ái này tiếp tục được nhân rộng trong cộng đồng”, anh Hiếu nói thêm.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp đồng ý hiến tạng khi bị tai nạn giao thông. Điển hình như hồi tháng 4/2019, anh N.V.H ở TX.Phú Mỹ bị chết não sau tai nạn giao thông. Người nhà của anh đã thực hiện nguyện vọng hiến tạng nhân đạo góp phần cứu sống 5 người bệnh khác ở các tỉnh Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh và Long An.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, trung bình 1 người bình thường sau khi qua đời có thể cứu sống được ít nhất là 7 người và nhiều nhất là 13 người. Do vậy, việc đăng ký hiến tạng sau khi qua đời có ý nghĩa rất lớn trong y học, gieo được nhiều mầm sống cho người bệnh.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM