Cần vinh danh nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế

Thứ Ba, 17/12/2019, 20:25 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm vinh danh nhà văn địa phương đã có những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa tổ chức hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế”. Tại hội thảo, các nhà văn, nhà nghiên cứu khoa học trên cả nước đã phân tích, làm rõ thêm những di sản văn hóa đặc sắc của Kiều Thanh Quế. 

Các nhà khoa học, nhà văn tìm hiểu các tác phẩm của nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế được trưng bày tại hội thảo “Thân thế, sự nghiệp nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.
Các nhà khoa học, nhà văn tìm hiểu các tác phẩm của nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế được trưng bày tại hội thảo “Thân thế, sự nghiệp nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.

Nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế (1914-1948), quê ở làng Hắc Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Đất (nay thuộc huyện Long Điền). Nhà văn Kiều Thanh Quế có các bút danh như: Tô Kiều Phương, Mộc Khuê, Quế Lang, Nguyễn Văn Hai. Th.S Trần Thị Mỹ Hiền (ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận định, Nhà văn Kiều Thanh Quế là một trong những tác giả có nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản thành sách nhất trong thế hệ những nhà nghiên cứu văn học trước năm 1945.

Trong sự nghiệp cầm bút, ông đã cho ra đời nhiều công trình ở thể loại ký, dịch thuật, phê bình văn học ghi dấu trên văn đàn như: Ba mươi năm văn học, Phê bình văn học, Thi hào Tagore, Một ngày của Tolstoy, Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, Đàn bà và nhà văn và học thuyết Freud. “Nhà văn Kiều Thanh Quế đã nghiên cứu tiến trình văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại và nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu vào Việt Nam các học thuyết, tư tưởng tinh hoa của thế giới, góp phần bồi đắp, xây dựng nền văn học, văn hóa nước nhà. Có thể nói, nhà văn Kiều Thanh Quế là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học hàng đầu ở Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX nói chung”, Th.S Trần Thị Mỹ Hiền nói.

Nhà văn Kiều Thanh Quế còn khẳng định tài năng sáng tác của mình qua những tác phẩm văn học tiêu biểu như: Hai mươi tuổi (tiểu thuyết); Đứa con của tội ác, Đêm hè (truyện ngắn); Ngôi mả hoang, Hoa mai, Mùa thu với cuộc đời (truyện ký)...  Nhà văn Lã Thanh Tùng, Hội Nhà văn Việt Nam phân tích: “Bằng ngòi bút sắc sảo, với một phong cách văn xuôi đầy chất thơ, nhà văn Kiều Thanh Quế đã phản ánh được cuộc sống hiện thực, đặc biệt là xoay quanh một khía cạnh mà ông đau đáu nhất của đời sống là vấn đề lý tưởng và hành động của tầng lớp thanh niên Nam Bộ đồng trang lứa. Ngày nay, chúng ta có niềm tự hào về một tài năng, một tấm lòng với văn học và có nghĩa vụ phải phát huy, giữ gìn”.

Không chỉ đóng góp to lớn cho nền văn học, nhà văn Kiều Thanh Quế còn là một người yêu nước. Đại tá Huỳnh Văn Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh phân tích: Tinh thần chống Pháp của nhà văn Kiều Thanh Quế không chỉ thể hiện bằng những bài viết đăng trên báo, tạp chí mà còn qua hành động tấn công một người Ấn Độ, quốc tịch Pháp thu thuế chợ. Qua sự việc này, có một thời gian, Kiều Thanh Quế đã bị thực dân Pháp quản thúc. “Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định nhà văn Kiều Thanh Quế là người đồng chí của lực lượng Quốc Vệ đội thuộc Ty Công an Bà Rịa. Trên mặt trận văn hóa, nhà văn Kiều Thanh Quế đã “tiếp lửa” để tạo nên sức mạnh cho Quốc Vệ đội bảo vệ căn cứ cơ quan đầu não kháng chiến tỉnh Bà Rịa-Long Khánh trước đây”, ông Hải nói.

Di sản văn học của nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế là tấm gương sáng, cho thấy tầm vóc thời đại và ý nghĩa mở đường cho văn học nước nhà. Vì vậy, nhiều tham luận tại hội thảo cho rằng, trên tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cần tiếp tục xác định vị thế nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng, nhà văn hóa Kiều Thanh Quế trên quê hương BR-VT cũng như của cả nước để có hình thức truy tặng, tôn vinh hợp lý. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm, bổ sung các nguồn tài liệu để xuất bản bộ sách toàn tập tác phẩm Kiều Thanh Quế, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng, giới thiệu rộng rãi trong nhà trường và công chúng”, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam chia sẻ về những dự định sắp tới.

PGS.TS Trần Hoài Anh (ĐH Văn hóa Sài Gòn) cho rằng, nhà văn Kiều Thanh Quế là 1 trong 20 nhà phê bình văn học tiêu biểu ở nửa đầu thế kỷ XX. Tên tuổi nhà văn cùng thời với Kiều Thanh Quế như Bích Khê đã được tỉnh Quảng Ngãi đặt tên đường, trường học. Vì vậy, việc vinh danh nhà văn Kiều Thanh Quế không chỉ dừng lại ở các công trình nghiên cứu, hội thảo mà địa phương cần nghiên cứu đặt tên đường, trường học mang tên ông để thế hệ sau biết đến một nhà văn, chiến sĩ có nhiều đóng góp cho quê hương.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.