Bưng Bạc - làng nghề cổ giữa vùng sình lầy

Thứ Năm, 12/12/2019, 21:24 [GMT+7]
In bài này
.

Ngoài khu vực cư trú vùng hải đảo, vùng ngập mặn ven biển, cư dân cổ thời tiền - sơ sử tại BR-VT còn cư trú ở khu vực bưng sình, nhiều kênh rạch, nằm giữa vùng đất trũng, kề với vùng đất đỏ bazan. Tiêu biểu loại hình này là hai làng cổ Bưng Bạc, Bưng Thơm.

Vòng đá đeo tay, sản phẩm chế tác từ đá của cư dân cổ Bưng Bạc.
Vòng đá đeo tay, sản phẩm chế tác từ đá của cư dân cổ Bưng Bạc.

Địa hình ở đây khác biệt so nhiều khu vực, xung quanh đều ngập nước, phía dưới là sình lầy, vì vậy cộng đồng cư dân cổ phải di chuyển bằng thuyền độc mộc trên những những kênh rạch chằng chịt, đổ ra đồng bằng ven biển phía đông, khu vực Vũng Vằng (TP.Bà Rịa ngày nay).  Vào những năm 1986, 1992 nhóm các nhà khảo cổ thuộc Trung tâm khảo cổ học Nam Bộ đã phát hiện ra các di tích khảo cổ học Bưng Bạc tồn tại trên vùng đầm lầy ngập nước.

Bưng Bạc hiện nay thuộc ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa, di tích trải rộng với diện tích khoảng 4ha. Do nguồn nước ngầm đã khai thác cạn kiệt nên hiện nay dấu tích đầm lầy không còn nữa. Câu ca dao xưa bao đời quen thuộc “Bao giờ Bưng Bạc hết sình…” đã lùi vào ký ức xa xăm. Những người sinh ra đầu thế kỷ XXI không còn chứng kiến cảnh sình lầy như những năm thập niên cuối của thế kỷ XX.

Cọc gỗ nhà sàn xuất lộ tại hố khai quật khảo cổ học tại di tích Bưng Bạc.
Cọc gỗ nhà sàn xuất lộ tại hố khai quật khảo cổ học tại di tích Bưng Bạc.

Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ di tích Bưng Bạc cho biết, nơi đây cách đây vài ngàn năm đã từng tồn tại những  làng cổ nhỏ lẻ, làm nghề truyền thống mang tính tự cung tự cấp với nhiều nghề khác nhau, phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất tại chỗ. Cụ thể như: nghề làm gốm chuyên làm ra các loại bát bồng, đồ đựng; nghề mộc, gia công gỗ đẽo thuyền, làm mái chèo, làm nhà sàn gỗ trên sình lầy; nghề chế tác đá, khuôn đúc công cụ kim loại bằng đồng (rìu lưỡi xéo), bàn mài, chày nghiền, phác vật chế tác vòng đá, rìu đá, cuốc đá; Nghề chế tác gốm như chum, bát bồng, bi gốm, dọi xe chỉ… Đặc biệt căn cứ vào các di vật đá thu thập được như: phác vật vòng đá hình tròn, hình chữ nhật, hình gần vuông, phác vật đá có vết gia công dấu đục tách lõi vòng, lõi vòng được cấu thành từ kỹ thuật khoan một mặt hoặc hai mặt, bàn mài vòng đeo tay, nhiều mảnh vòng phế liệu do bị vỡ trong quá trình khoan tách lõi vòng và khi gia công mài sản phản, vòng đá trang sức đeo tay hoàn chỉnh… Các nhà chuyên môn đã khẳng định  cư dân cổ Bưng Bạc chính là chủ nhân của nghề thủ công chế tác đá vòng đeo tay đạt trình độ cao, với các kỹ năng tinh xảo, điêu luyện. Ngoài ra căn cứ vào các hiện vật bằng chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, cư dân nơi đây còn phát triển các nghề thủ công khác, đó là nghề mộc. Được thể hiện qua các sản phẩm: xây cất nhà sàn trên kênh rạch, làm thuyền độc mộc, mái chèo. Những hiện vật được phát hiện trong tầng văn hóa, các cọc gỗ nhà sàn có dấu vết chế tác vạt nhọn, cắt mộng, các ván sàn khép khít nhau thành những tấm ván liền mạch, những thanh gỗ tròn… Ngoài ra cư dân cổ Bưng Bạc còn thành thạo nghề làm gốm, dệt vải, chế tác công cụ đá, đúc đồng, đánh bắt thủy sản. So sánh các di vật khảo cổ học tại Bưng Bạc có những đặc điểm tương đồng với cư dân cổ trong khu vực Đông Nam Bộ tại các di tích như: Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc, Bình Ba, Dốc Chùa…

Những phát hiện về di tích khảo cổ Bưng Bạc có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phục dựng bức tranh toàn cảnh về đời sống kinh tế, văn hóa, sinh hoạt xã hội, trình độ lao động sản xuất… của cư dân cổ cách ngày nay 2.500 năm, từng sinh sống, phát triển, có mối giao lưu với các vùng khác trong khu vực bên ngoài ở địa hình đầm lầy. Qua đây chúng ta thấy cư dân cổ ở đây có khả năng thích ứng và sức sống mạnh mẽ với môi trường giữa một không gian, điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, khẳng định Bưng Bạc là một di chỉ tiền Óc Eo quan trọng ở miền Đông Nam Bộ nói riêng và của tỉnh BR-VT nói chung. Đây là một di chỉ có quy mô lớn, là nơi cư trú của những cư dân thời đại Kim khí trong buổi đầu chiếm lĩnh vùng đầm lầy ven biển.

NGUYỄN DUYÊN TÂM

;
.