Vô tư trong thói quen ăn uống dẫn đến một số người trẻ phải chịu cảnh bệnh tật, thậm chí tính mạng bị đe dọa từng ngày do tăng huyết áp dẫn đến suy thận.
Thói quen ăn uống không đúng cách dẫn đến một số người trẻ phải chịu cảnh bệnh tật, thậm chí tính mạng bị đe dọa từng ngày do tăng huyết áp dẫn đến suy thận. Trong ảnh: Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Lê Lợi. |
Cao huyết áp và bệnh thận có mối liên quan với nhau và cả hai bệnh lý này có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng lý do đáng chú ý, nhiều người mắc phải là do thói quen ăn uống có hại.
Nhập viện sau bữa bún đậu mắm tôm
Cuối tháng 11/2019, chị Hà Thị M. (nhà ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh) phải lên mạng rao sang nhượng lại cơ sở làm đẹp của mình để dồn tiền cho cuộc ghép thận sắp tới. Ngoài ra, chị cũng không còn sức để đảm đương công việc quản lý spa khi bụng chị ngày càng bị trướng to còn tay chân thì ốm tong teo. Điều mà khách lấy làm tiếc cho cô chủ spa xinh đẹp dễ thương là cô còn quá trẻ, chỉ mới gần 30.
Chị M. kể, trước đây chị hoàn toàn khỏe mạnh. Trong gia đình cũng không có ai từng mắc bệnh này. Tuy nhiên, từ khi tiếp xúc với bác sĩ, làm tất cả các xét nghiệm loại trừ, chị mới biết chị phải trả giá rất đắt cho sức khỏe chỉ vì một thói quen mà nhiều người mắc phải: Thích ăn mặn. Chị thích đồ ăn được nêm nếm đậm đà, trong bữa ăn không bao giờ thiếu chén nước mắm cay. Trong 2 năm gần đây, chị bỗng dưng hay đau đầu, người khó chịu. Chị chỉ nghĩ đơn giản do thay đổi thời tiết nên người nóng lạnh thất thường. Cách đây vài tháng, sau khi ăn bún đậu mắm tôm, chị thấy đầu óc quay quay rồi bất tỉnh.
Đi cấp cứu, bác sĩ cho hay huyết áp chị tăng rất cao. Chỉ số huyết áp tâm thu lên đến gần 200 và có dấu hiệu chị đã bị suy thận, yêu cầu chị đi khám chuyên khoa và điều trị. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ cho chị thuốc điều trị huyết áp yêu cầu chị phải đi lọc thận nếu muốn duy trì mạng sống vì chị đã bị suy thận giai đoạn 4.
Thế nhưng, là người rất sợ thuốc và bệnh viện, chị về nhà mà không làm gì cả. 1 tuần sau, chị rơi vào hôn mê, tưởng chừng không qua khỏi. May mà nhờ bác sĩ cứu chữa kịp thời nên chị mới giữ được mạng sống. Qua tháng 12, chị có chỉ định ghép gan với người hiến là một người cô ruột.
Bất thình lình, không có triệu chứng
Chị Lê Thị Tuyết M. (nhà ở Đồng Nai) cũng là một bệnh nhân phải thường xuyên đến Bệnh viện Chợ Rẫy để chạy thận. Từ một cô gái sắc sảo, khỏe mạnh, sau khi phát hiện bệnh, chẳng mấy chốc chị thành một “bà lão” hom hem, môi mày tái nhợt, người xanh xao. Từ một kế toán trưởng giỏi giang của một công ty lớn, chị trở thành người thất nghiệp vì không đủ sức và phải thường xuyên bỏ việc đi chạy thận. Chị bị bệnh thận giai đoạn cuối do biến chứng từ cao huyết áp.
Điều đau đớn nhất là cơ thể chị hoàn toàn không có một triệu chứng gì của bệnh lý cao huyết áp trước đó. Cứ mỗi 6 tháng, công ty cho nhân viên đi khám sức khỏe tổng quát 1 lần và lần nào chị cũng nhận về kết quả tốt. Duy chỉ có 1 lần công ty có sự thay đổi lớn dẫn đến việc khám sức khỏe của nhân viên không thực hiện được. Cho đến lần khám kế tiếp, bác sĩ sau khi nhìn kết quả, đã báo cho chị biết sức khỏe của chị đang gặp vấn đề và đề nghị chị nên tới Bệnh viện Chợ Rẫy để kiểm tra lại.
Về tìm hiểu tất cả các nguyên nhân gây bệnh, chị nghĩ có thể do chị đã ăn uống quá mặn trong suốt một thời gian dài. Điều này dẫn đến việc chị bị cao huyết áp rồi suy thận, mà đáng sợ ở chỗ, các căn bệnh này tấn công một cách âm thầm, không có một dấu hiệu nào báo trước để chị bảo vệ, phòng thủ. Tuổi trẻ, tình yêu, sức khỏe dần rời xa chị. Chị giờ như một ngọn đèn leo lét trước gió.
Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và suy thận
Theo các chuyên gia đầu ngành, hiện có khoảng 5 triệu người Việt bị suy thận và mỗi năm tăng thêm gần 8.000 ca bệnh mới. Số người trẻ mắc căn bệnh này có xu hướng tăng lên.
Bệnh thận mạn tính được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã bị suy thận ở giai đoạn cuối. Người bệnh nếu muốn kéo dài thời gian sống phải chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, thời gian dài phụ thuộc vào máy chạy thận cũng khiến sức khỏe giảm sút, nhiều người không thể lao động nữa.
Tại sao tăng huyết áp gây suy thận? Câu trả lời là khi tăng huyết áp kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy dần các mạch máu trong cơ thể. Điều này cản trở sự cung cấp máu đến các cơ quan khác, trong đó có thận. Ngoài ra tăng huyết áp còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận, dẫn đến hậu quả thận không thể lọc được những chất cặn bã độc hại ra ngoài cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu và canxi. Tình trạng chất lỏng dư thừa trong hệ mạch máu ngày một nhiều khiến huyết áp lại càng tăng cao. Hai tình trạng này bổ sung cho nhau khiến tăng huyết áp lâu dài không được kiểm soát dẫn đến suy thận mạn tính nghiêm trọng.
Từ bỏ những thói quen có hại để bảo vệ sức khỏe
Để phòng ngừa bệnh cao huyết áp, suy thận do thói quen, lối sống, những người trẻ cần có lối sống khoa học, lành mạnh. Cần tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng, tránh béo phì. Tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường các loại rau xanh, củ quả, các thực phẩm ít béo, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, các thức ăn chiên rán, không dùng đồ uống có cồn… Ngoài ra, ăn nhạt có ích cho việc giảm huyết áp và nguy cơ tim mạch nên bệnh nhân cần giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày.
Khi đã được nhân viên y tế điều trị và chỉ định dùng thuốc, tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc. Bệnh nhân cần uống thuốc đúng liều lượng và tuân thủ lịch khám định kỳ.
ANH LÂM