Thoái hóa khớp là tình trạng hư hại sụn khớp không hồi phục, gây ra những cơn đau, mỏi khó chịu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, các cơn đau mạn tính do thoái hóa khớp có thể dẫn đến những biến chứng khác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Điều trị thoái hóa khớp có thể kết hợp tập vật lý trị liệu và châm cứu. Trong ảnh: Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. |
Cách đây 2 năm, bà Lê Thị Tư (58 tuổi, ở 93, Lê Lợi, TP.Vũng Tàu) đã có những biểu hiện đau mỏi, khớp gối kêu lạo xạo mỗi khi đi bộ nhanh. Tuy nhiên, bà chủ quan cho rằng do lớn tuổi rồi nên xương khớp giòn, đau mỏi là chuyện bình thường. Cho đến khi khớp gối của bà sưng đau nhức, đi lại khó khăn, bà mới nói với con cháu đưa đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán viêm khớp gối do thoái hóa khớp. Qua phim chụp X-Quang cho thấy, hai khớp gối của bà đã bị mòn gần hết phần sụn bao quanh. Hiện tại bà phải uống thuốc để điều trị tình trạng viêm khớp và giảm đau, còn sụn khớp đã mòn thì khó có thể phục hồi lại được.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, thoái hóa khớp là 1 trong 10 bệnh gây tàn phế hàng đầu nếu không có biện pháp phòng ngừa bệnh tiến triển và điều trị sớm, đúng cách. Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Trưởng Khoa Tim mạch lão, Bệnh viện Lê Lợi cho biết, cấu tạo của khớp gồm bao khớp ngoài, sụn khớp và dịch khớp. Sụn khớp là bộ phận tổn thương đầu tiên. Khi bị tổn thương sụn khớp sẽ dần dần bị bào mòn. Những mảnh sụn khớp bị bào mòn sẽ rơi vào ổ khớp và gây ra những phản ứng viêm, kích thích màng xương tạo ra những gai xương, gây đau cứng khớp. Ngoài khớp gối thì các khớp dễ thoái hóa nhất trên cơ thể người gồm: háng, cổ tay, chân, cột sống, thắt lưng, là những khớp chịu vận động nhiều của cơ thể. Bệnh thường gặp ở người già, nữ giới tuổi mãn kinh, béo phì, đặc thù nghề nghiệp phải vận động nhiều ở các khớp, biến dạng khớp bẩm sinh, bệnh lý di truyền. Thoái hóa khớp vẫn có thể gặp ở những người trẻ; đặc biệt là vận động viên marathon, bóng đá, luyện võ thường bị thoái hóa khớp sớm hơn người bình thường.
Theo bác sĩ Tuân, hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị thoái hóa khớp tùy theo mức độ của bệnh. Những biểu hiện thoái hóa khớp khi mới bắt đầu, bệnh nhân sẽ cảm thấy mỏi vào buổi sáng thức dậy và chiều tối, hay sau khi vận động mạnh. Giai đoạn này chữa đơn giản bằng các bài tập vận động và chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Khi xuất hiện những cơn đau cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay, điều trị thoái hóa khớp bằng phương pháp nội khoa chủ yếu là giảm đau bằng thuốc, có thể kết hợp vật lý trị liệu, châm cứu, sử dụng một số thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị ngoại khoa đang được áp dụng như phẫu thuật nội soi làm sạch khớp, ghép tế bào gốc, thay sụn tự thân. Cuối cùng khi không còn có thể chữa trị bằng các phương pháp này, khớp đã hư hoàn toàn, bác sĩ sẽ xem xét để chỉ định phẫu thuật thay khớp cho bệnh nhân.
Về chế độ ăn uống, tập luyện dành cho người thoái hóa khớp, bác sĩ Tuân khuyến nghị, cần tăng cường thực phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hủ; đồng thời hạn chế các thực phẩm từ thịt đỏ. Người thoái hóa khớp có thể đi bộ, vận động nhẹ nhàng để tránh cứng khớp. Tuy nhiên, khi đi bộ thể dục cần lưu ý, không đi nhanh, không sải bước dài. Tốt nhất, người bệnh nên đi bộ chia làm nhiều lần trong ngày, nếu thấy đau, khó chịu thì cần dừng lại, có thể chuyển sang vận động bằng các bài tập co duỗi tại chỗ.
Bài, ảnh: MINH THIÊN