.

Niềm vui từ nghiên cứu khoa học

Cập nhật: 21:12, 08/11/2019 (GMT+7)

Những năm gần đây, Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) gặt hái nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS. Nhiều ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu của các em có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Em Đỗ Thành Đạt (bên trái) và Nguyễn Trung Hiếu kiểm tra lại “Thiết bị đo pH, độ đục, nhiệt độ, TDS, DO cho nuôi thủy sản giám sát qua Internet”.
Em Đỗ Thành Đạt (bên trái) và Nguyễn Trung Hiếu kiểm tra lại “Thiết bị đo pH, độ đục, nhiệt độ, TDS, DO cho nuôi thủy sản giám sát qua Internet”.

Tháng 1/2019, đề tài “Thiết bị đo pH, độ đục, nhiệt độ, TDS, DO cho nuôi thủy sản giám sát qua Internet” của 2 HS Đỗ Thành Đạt (lớp 11A2) và Nguyễn Trung Hiếu (lớp 12A3)  giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Hai tháng sau, đề tài này “ẵm” luôn giải Nhì Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Đạt cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu có môi trường thuận lợi, phù hợp với nghề nuôi trồng thủy sản nhưng chưa có thiết bị kiểm tra chất lượng nước tự động qua Internet. Quá trình kiểm tra chất lượng nước chưa liên tục và chặt chẽ là một trong những nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Thực trạng đó thúc đẩy 2 em nghiên cứu đề tài “Thiết bị đo pH, độ đục, nhiệt độ, TDS, DO cho nuôi thủy sản giám sát qua Internet”. Thiết bị này có các chức năng chính là đo và giám sát các thông số tự động và bán tự động; đo nhiệt độ, độ pH, độ đục, TDS, DO; tự động hóa các khâu truyền và nhận dữ liệu từ xa qua Internet; đo được nhiều vị trí trên ao nuôi thủy sản. Theo Đạt, sau khi đo được kết quả nhiệt độ, độ pH, độ đục, TDS, DO tại ao nuôi, thiết bị sẽ chuyển dữ liệu qua màn hình LCD và phần mềm Blynk. Qua đó, người nuôi điều khiển và giám sát từ xa bằng Internet, đồng thời nhận biết được tình trạng nước nơi nuôi thủy sản hàng ngày và dễ dàng xử lý khi có biến đổi. “Thiết bị được tụi em tự thiết kế từ phần cứng, bộ điều khiển và phần mềm điều khiển. Linh kiện, vật tư được mua ở Việt Nam. Thiết bị gọn nhẹ, giá thành hợp lý và rất hiệu quả”, Đạt nói.

Em Phạm Thị Thùy Trang (bên phải) đến trường để nghiên cứu ý tưởng thiết kế bảng chữ cái dành cho HS khiếm thị.
Em Phạm Thị Thùy Trang (bên phải) đến trường để nghiên cứu ý tưởng thiết kế bảng chữ cái dành cho HS khiếm thị.

Đề tài “Thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm dùng cho tiệm thuốc tây” của em Nguyễn Ngọc Phú (lớp 11A1) cũng mới giành giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh hồi tháng 10. Phú cho biết, em có người thân kinh doanh tiệm thuốc tây. Họ hay phàn nàn về giá thành của thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm. Từ đó, em đã nghiên cứu, thiết kế thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm dùng cho tiệm thuốc tây với mục tiêu giá thành rẻ, tiện ích hơn sản phẩm bán trên thị trường. Cứ 5 phút 1 lần, thiết bị tự động ghi dữ liệu theo thời gian, nhiệt độ, độ ẩm vào thẻ nhớ và dùng thẻ nhớ để xem lại các dữ liệu đã thống kê; dùng Keypad 4x4 để cài đặt thời gian, xem dữ liệu trong thẻ. Phú cho hay: “Trên thị trường, thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm dùng cho tiệm thuốc tây có giá 2 triệu đồng, trong khi thiết bị do em tự thiết kế chỉ có giá khoảng 500 ngàn đồng. Thiết bị này đo nhiệt độ, độ ẩm cho kết quả chính xác, dễ sửa chữa. Người dùng còn dễ giám sát dữ liệu từ thẻ nhớ”.

Những ngày này, phòng sinh hoạt của CLB nghiên cứu khoa học kỹ thuật Trường THPT Trần Văn Quan luôn hoạt động hết công suất. HS sử dụng máy vi tính và trang thiết bị do nhà trường trang bị để tìm thông tin, lên ý tưởng cho các đề tài dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian tới. Em Phạm Thị Thùy Trang (lớp 10A1) đang ấp ủ ý tưởng thiết kế bảng chữ cái dành cho HS khiếm thị. Em chia sẻ: “Em dự định thiết kế bảng chữ cái này bằng cách dùng các nút bấm trên phần mềm. Qua đó, HS khiếm thị học chữ cái dễ dàng hơn khi chỉ cần bấm vào, chữ cái sẽ phát ra âm thanh để đọc theo, nhưng vẫn cảm nhận được mặt chữ”.

Cô Nguyễn Thị Bích Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Quan cho biết, cuối mỗi năm học, nhà trường thường phát động phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong HS. Theo đó, các em có 3 tháng hè để tự nghiên cứu, thực hiện các ý tưởng. HS cũng nhận được sự hỗ trợ về kiến thức từ các cựu HS của trường. Đầu năm học, những ý tưởng nghiên cứu của HS dần hoàn thiện và có thể tham gia các cuộc thi. Theo cô Hoàng, nhằm hỗ trợ HS nghiên cứu khoa học, nhà trường cũng trích một phần chi phí trong quỹ học bổng của trường, sự đóng góp của GV, cùng sự hỗ trợ của phụ huynh các em. Nhà trường truyền cảm hứng cho các em đam mê nghiên cứu khoa học bằng cách bố trí phòng sinh hoạt, lắp đặt 3 máy tính kết nối mạng, bàn ghế; phân công GV hỗ trợ, động viên và theo dõi các em trong thời gian nghiên cứu đề tài.

Cô Hoàng phấn khởi nói: “Trung bình mỗi năm nhà trường có 3 đề tài đạt giải các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trở lên. Đặc biệt, từ năm học 2016-2017 đến 2018-2019, trường có 3 đề tài đạt các giải Nhất, Nhì và Ba cấp quốc gia. Dù chi phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học không nhiều, nhưng chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để HS có cơ hội, trải nghiệm và thực hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học”.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.