- Hê lô ông Sáu Bến Đình, nai tu mít du (nice to meet you)!
- Chào ông anh, tui hổng rành tiếng Ăng lê. Xin nói tiếng Việt cho tui khỏi… lùng bùng cái lỗ tai.
- Ô xin lỗi! Câu vừa rồi có nghĩa là rất vui được gặp ông. He he, chẳng là tui đang học bà con nông dân nhiều nơi ở nước ta “cày” tiếng Anh để sau này còn có lúc dùng.
- Chỉ số ít người dân ở Hội An có thể võ vẽ vài câu tiếng Anh với du khách chứ đâu mà nhiều nơi…?
- Ơ, thế ra ông chưa biết ngoài phố cổ Hội An, người dân ở nhiều nơi như Sa Pa (Lào Cai), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Yên Đức (Quảng Ninh) cũng có thể nói tiếng Anh như gió à.
- Vậy sao? Bà con học tiếng Anh để làm gì kìa?!
- Tất nhiên là để giao tiếp phục vụ du khách bốn phương.
- Nghe hay đó! Biết nói tiếng Anh, bà con nông dân chân lấm tay bùn sẽ trở thành những đại sứ du lịch. Nhưng, không biết bà con học tiếng Anh có “vô” không?
- Ban đầu cũng hơi khó khăn. Nhưng nhờ miệt mài học tập, thường xuyên nói chuyện với du khách mà vốn tiếng Anh của bà con được nâng lên, không chỉ biết nói mà còn đọc thông viết thạo tiếng Anh. Nhiều bà con ở Lào Cai và Quảng Ninh nói nhờ đọc được tiếng Anh mà biết nhận biết một việc quan trọng…
- Hồi hộp quá! Điều quan trọng gì thế?
- “Đường lưỡi bò” phi pháp trên những ấn phẩm du lịch tiếng Anh do mấy ông bạn láng giềng mang sang!
HẢI LĂNG