Long Sơn huyền bí với những cư dân mặc bà ba đen, tóc búi củ hành và truyền thuyết mở mang bờ cõi bất khuất của cha ông... Đặc biệt, người dân xã đảo không ai không tự hào về Ông Trần - người mở đất lập nên Long Sơn.
Du khách TP. Hồ Chí Minh đến thăm Nhà lớn Long Sơn. |
HÀNH TRÌNH MỞ CÕI
Chúng tôi về thăm Nhà Lớn Long Sơn trong một chiều cuối thu mát mẻ. Dì Lê Thị Kiềm, hay còn gọi là dì Ba Kiềm, mặc áo bà ba đen, tóc búi gọn gàng đón chúng tôi, chậm rãi rót trà xanh và bày mứt đãi khách. Dì Ba Kiềm năm nay đã 74 tuổi, là cháu đời thứ tư của ông Lê Văn Mưu - người khai hoang mở đất Long Sơn.
Theo lời dì Ba Kiềm, ông tên là Lê Văn Mưu nhưng người dân xã đảo thích gọi ông bằng tên theo kiểu miền Nam hơn: Ông Trần (vì ông hay ở trần khi phát quang ruộng rẫy) hay ông Nhà Lớn. Ông là người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, nay là xã Tân Khánh Hòa, thị trấn Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Khoảng năm 1900, ông cùng đoàn người trên 5 chiếc thuyền lớn đã cập bến cù lao Núi Nứa (đảo Long Sơn ngày nay) trên hành trình trốn chạy sự truy nã của giặc Pháp vì tội tham gia lực lượng khởi nghĩa. Đảo khi ấy rất hoang vắng, bốn bề là rừng ngập mặn bao quanh và nhiều thú dữ; điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn, thiếu nguồn nước, đất đai chật hẹp, muỗi mòng rắn rết… Thấy nơi đây phong thủy hữu tình, có thế núi sông, biển cả giao hòa nên ông quyết định dừng thuyền, lập làng. Dưới sự chỉ huy của ông, nhóm người mới tới chặt cây dựng chòi, chiêu mộ bá tánh đến khai hoang mở đất. Từ đây hình thành nên một khu dân cư mới.
Mái chèo của chiếc ghe mà Ông Trần đi khai hoang mở đất còn lưu giữ tại Nhà Lớn Long Sơn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
“Vào năm 1909, Ông Trần đã đề đạt với nhà cầm quyền Pháp ở Bà Rịa cho lập ra nhà thờ Khổng Tử để làm nơi thờ cúng của người dân ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Được sự chấp thuận, năm 1910, Ông Trần cho xây dựng Nhà Thánh (thờ Khổng Tử) làm khu chính điện. Sau đó, ông tiếp tục xây dựng Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật, và sửa lại Nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn. Năm 1927, Ông Trần lại cho cất thêm Lầu Cấm (làm tiền điện), 2 ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa, 2 cổng ra vào khu vực thờ cúng. Sau đó, ông cho dựng tiếp Lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng và lễ bái, tầng trên bày các bàn thờ”, dì Ba Kiềm cho hay.
LƯU TRUYỀN ĐẠO LÀM NGƯỜI
Kể từ đó và những năm tiếp theo, Ông Trần cho xây cất 5 dãy phố (cho lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp), nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học (dạy chữ quốc ngữ cho trẻ), nhà chợ, nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt.
Bản thân Ông Trần vừa kết hợp nghề làm muối và trồng lúa nước. Ông còn chữa bệnh cho người dân trong vùng bằng cây lá thuốc Nam sẵn có hái từ trong núi. Đặc biệt cái “đạo ở đời” mà ông trao truyền ở đây mang tính dân tộc, đơn giản mà thiết thực, không có sự hỗ trợ của tiếng chuông, tiếng mõ, không kinh kệ, không ăn chay, kiêng kị, do đó được những người dân chất phác làm nghề nông, nghề muối, nghề rừng ở đây hưởng ứng. Những người đàn ông lớn tuổi cũng bắt chước ông để râu, tóc dài búi tó ở sau gáy, mặc bộ bà ba đen và đi chân đất. Thấy công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, ai nấy đều khấm khá, để tính chuyện an cư lâu dài, ông Trần xin phép được quy dân lập ấp. Được nhà cầm quyền chấp thuận, ông đứng ra quy tập dân ở các nơi, nhất là miền Tây Nam Bộ đến khai phá đất đai... Ấp Bà Trao cứ thế mà hình thành.
Những công trình do Ông Trần xây dựng đều nằm chung một khuôn viên nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn. Từ khi Ông Trần mất năm 1935, nhiều thế hệ người dân địa phương đã bảo tồn, gìn giữ những nếp sống chung một cách nghiêm ngặt. Đó là phương châm, lấy “Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín” làm lẽ sống. Chính vì thế, người từ khắp bốn phương tìm đến đều yên bề làm ăn và sống theo triết lý về đạo làm người. Ông Lê Văn Mưu được tôn vinh thành Ông Trần, vì cả cuộc đời ông chỉ ở trần đi chân đất. Tóc dài búi ngược gọn gàng. Suốt ngày ông cày cuốc và ra đồng làm muối. Ông sống với tấm lòng chân tình, cứu giúp người khi hoạn nạn, sẵn sàng hy sinh vì người khác. Những nguyên tắc ấy được tồn tại cho đến ngày nay. Theo dì Ba Kiềm thì: “Đó chỉ là đạo làm người. Ngày xưa Nhà Lớn thường dạy về “Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín,... Dân cứ thế truyền miệng từ cha mẹ sang con cái, ông bà sang cháu chắt”.
Bài, ảnh: SONG THẢO