Trong cuộc sống hàng ngày, có không ít cha mẹ một ngày nọ bỗng hụt hẫng vì bị con cái dối trá, lừa gạt mình. Thế nhưng, mấy ai nhìn lại để thấy ngày trước chính họ xem nhẹ việc con trẻ nói dối hoặc gián tiếp dạy con nói dối.
Bà Trần Thị Hải, năm nay 68 tuổi, sống tại một phường trung tâm thành phố kể, bà thường mắng các con khi nghe họ dặn cháu ngoại, cháu nội bà: “Ai có đến hỏi cha mẹ thì nói không có nhà nhé...” hay “Ai tìm cha mẹ nói ba mẹ con đi công việc rồi nhé”. Thật ra họ đều có ở nhà, chỉ không muốn tiếp khách. Họ cho rằng đó là những lời nói dối vô hại. Có biết đâu đây là bước đầu tiên tập cho con cái thói quen dối trên, gạt dưới. Bà luôn hỏi hai con ngày trước bà có cho phép con nói dối hoặc nói dối con không mà bây giờ lại tập cho các cháu bà nói dối.
Khi con còn nhỏ bà luôn dạy con cái trung thực. Bà kể câu chuyện ngụ ngôn cậu bé chăn cừu cứ kêu lên sói đến khiến dân làng chạy đến tiếp cứu để rồi cười một trận no nê. Đến một chiều, sói đến thật, cậu kêu lên và chẳng ai đến giúp đuổi sói, cứu bầy cừu. Bà kết luận để răn dạy con: “Một người nói dối thì sau này chẳng ai tin cả cho dù họ nói thật”.
Cùng quan điểm với bà Hải, ông Nguyễn Văn Đàn, 60 tuổi, hàng xóm của bà Hải chia sẻ: “Con nói dối được một lần sẽ nói dối mãi và thành quen. Giáo dục là tạo một thói quen. Vậy các bậc cha mẹ cần tạo thói quen tốt cho con cái. Một trong những thói quen tốt là phải trung thực, không được gian dối”.
Một người bạn tôi đi xa hơn một bước khi cho rằng không chỉ tập con không nói dối mà cả khi lỡ phạm lỗi cũng dũng cảm thú thật. Chị cho biết: “Trẻ con lúc nào lại chẳng tinh nghịch. Biết con vì đá cầu trong nhà làm vỡ bình hoa pha lê đắt tiền tôi mua ở nước ngoài. Cháu không nhận lỗi mà đổ nguyên nhân tại con mèo nhảy. Tôi chỉ nhẹ nhàng nói nếu con có lỡ làm vỡ bình hoa lúc cha mẹ vắng nhà, con cứ nói thật, cha mẹ không hề mắng chửi, đánh đập con đâu... Và cháu đã thú nhận tất cả. Giữ lời, tôi chỉ khuyên con lần sau cẩn thận hơn, làm gì cũng phải thận trọng để không bị rơi, đổ vỡ đồ đạc...”.
Chúng ta biết rằng, một khi đứa trẻ được giáo dục thói quen nói thật, thì khi nói dối sẽ ngượng ngịu và dễ đoán biết. Ông Thái Văn Nam, 59 tuổi, sống kế bên nhà tôi kể rằng, con ông từ nhỏ đã quen những lời chân thật. Một lần, lỡ chơi game ở nhà bạn về muộn, cậu con đã nói dối bị hỏng xe. Thế nhưng, khác với những kẻ quen nói dối như... thần, con trai cứ ấp úng, mắt cúp xuống, mặt đỏ gay. Ông nói ngay nếu con lỡ chơi quá giờ thì cứ nói ba sẽ tha thứ để lần sau không phạm lỗi nữa vì ông biết chắc chắn là cu cậu đang nói dối. Cuối cùng cậu bé thú nhận chuyện mình chơi quá giờ và xin ông tha thứ.
Dạy trẻ nói dối là cực kỳ nguy hiểm, chính vì vậy để con trẻ không “nhiễm” tật nói dối, luôn là người trung thực, kể cả khi trưởng thành, thì cha mẹ phải nghiêm khắc trong cách uốn nắn dạy dỗ trẻ hàng ngày. Ngoài ra, để làm gương cho con thì chính cha mẹ và cả ông bà tuyệt đối không nói dối, kể cả những “lời nói dối chân thật” cũng không nên diễn ra trước mặt con...!
BÍCH NGỌC