Dạy và yêu trẻ khuyết tật bằng tấm lòng rộng mở
Đó là chia sẻ chân thành và cảm động của những GV đang làm việc tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Học trò của các cô là những đứa trẻ đặc biệt khi không có được cơ thể lành lặn như bao người bình thường. Vì vậy, việc dạy các em không hề đơn giản.
Cô Nguyễn Thị Hằng, GV lớp 1A1 (khiếm thính) hướng dẫn HS tập đọc. |
Khi chúng tôi đến, cô Võ Thị Lam, GV lớp 1A1 (chậm phát triển) đang cầm tay hướng dẫn từng trẻ viết chữ cái. Cô vừa hướng dẫn vừa khen ngợi, khích lệ khi các em viết được những nét chữ ngay ngắn. Trẻ nào chưa tự giác viết bài, cô lại vỗ về, động viên bằng ánh mắt trìu mến, lời nói nhẹ nhàng.
Cô Lam cho biết, lớp có 8 HS từ 7 - 8 tuổi. Những ngày mới vào học, các em hay khóc, chưa biết mặt chữ, chưa biết cách cầm bút và chưa có thói quen giữ nề nếp. Cô đã dành 3 tuần đầu giới thiệu và tập cho các em làm quen với môi trường học tập mới. Sau khi HS ổn định, cô mới bắt đầu dạy kiến thức. Theo cô Lam, dạy học cho trẻ khuyết tật rất khó khăn, nhưng không phải là không có cách. Là GV trẻ và năng động, trong quá trình dạy học, cô đã nghĩ ra nhiều cách để giúp các em ngoan ngoãn, lễ phép và tự giác học tâp. Chẳng hạn, mỗi ngày đến lớp cô thường mang theo kẹo, cờ thi đua và những bông hoa để khen thưởng những em có tinh thần học tập tốt. Song song đó, cô tự sáng tạo đồ dùng dạy học và đưa đồ vật thật lên lớp để có hình ảnh trực quan, sinh động, gây hứng thú cho học trò. “Bài học âm “ơ” thì tôi mang trái bơ, âm “l” mang theo cái lọ, vần “ôm” thì mang trái chôm chôm… Nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi, vất vả nhưng tôi tự động viên mình đã quyết định chọn nghề giáo, chọn dạy cho HS khuyết tật thì bản thân mình phải luôn cố gắng. Thấy các em tiến bộ, dù chỉ là điều nhỏ nhất, nhưng tôi luôn trào dâng niềm hạnh phúc, vì những cố gắng của cô và trò đã mang lại kết quả”, cô Lam nói.
Cô Võ Thị Lam, GV lớp 1A1 (chậm phát triển) cầm tay trẻ tập viết từng nét chữ. |
20 năm gắn bó với Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, cô Nguyễn Thị Hằng, GV lớp 1A1 (khiếm thính) đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với các em. Giống như nhiều GV khác, những ngày đầu mới về trường công tác, thấy HS thường xuyên la hét, khóc lóc, thậm chí tấn công cả GV, cô rất sợ, lo lắng mình sẽ không thích nghi được. Nhưng rồi sau thời gian tiếp xúc với các em, những e ngại ban đầu đã không còn nữa. Gần gũi các em, cô nhận ra rằng, các em cũng rất tình cảm, thích dỗ dành.
Cô Hằng chia sẻ, dạy HS khuyết tật vất vả gấp bội so với HS bình thường. Để HS khiếm thính nhớ một chữ cái, cô phải sử dụng cả lời nói, lẫn ký hiệu, dạy đi dạy lại nhiều lần. Do đó, dạy các em, kết quả không thể tính theo thành tích học tập mà chỉ có thể thấy qua sự tiến bộ từng chút một của các em. Cô cho rằng, để có thể gắn bó được với các em, GV phải có tấm lòng rộng mở, kiên trì và chịu khó. GV không chỉ là người thầy mà còn phải như người cha, người mẹ, dạy dỗ các em từ những điều đơn giản nhất. Qua thời gian, tình cảm giữa cô và trò càng khăng khít. Cô Hằng kể, trong giờ học, một số em nghịch phá, không chú ý nghe cô giảng bài. Cô dừng lại, nét mặt lộ vẻ buồn. Thấy vậy, các em liền đứng lên xin lỗi. Vẻ mặt thể hiện sự hối lỗi của HS khiến cô cảm động và càng thương các em hơn. “Dạy HS khiếm thính rất vất vả, nhưng rồi mỗi khi các em biết được thêm một con chữ, làm được một phép toán, biết kính trọng và thương yêu GV, bao nỗi cực nhọc như tan biến”, cô Hằng chia sẻ.
Không chỉ có cô Lam, cô Hằng mà mỗi GV của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh đều đến với HS bằng lòng nhiệt huyết, niềm đam mê và trách nhiệm với nghề. Làm được những điều này, các cô mới bám trụ, gắn bó với trường lâu dài, với mong muốn giúp đỡ HS khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Thầy Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh cho biết, trường có gần 260 HS. Công việc dạy chữ, rèn luyện kỹ năng cho các em rất gian nan, nhưng 44 GV của trường luôn cố gắng đồng hành cùng HS. “Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, các cô đã cố gắng khắc phục khó khăn, vừa dạy học, vừa nghiên cứu, sáng tạo các phương pháp phù hợp với HS. Họ là những “người đưa đò” thầm lặng, giúp bao thế hệ học trò tiếp cận tri thức”, thầy Dũng nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG