Thời gian qua, bên cạnh việc nỗ lực điều trị, các cơ quan chức năng đã tìm nhiều phương án nhằm sớm đưa người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, công tác cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn.
Người nghiện được tư vấn tại Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng phường Tân Phước (TX. Phú Mỹ). |
NHIỀU PHƯƠNG THỨC CAI NGHIỆN
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh có gần 2.900 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, 852 người đang cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh (tại TX. Phú Mỹ); 467 người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện ma túy có thể lớn hơn nhiều lần con số được công bố. Thời gian qua, BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp để kiềm chế, giảm người nghiện ma túy, trong đó có triển khai các mô hình cai nghiện được đánh giá bước đầu có hiệu quả. Trong đó có Đề án “Điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí” tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh, sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm đã có gần 200 người được hỗ trợ cai nghiện miễn phí. Cùng với đó, BR-VT còn triển khai hiệu quả mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng” ở các xã, phường, thị trấn.
Tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh, ngoài điều trị cai nghiện, học viên còn được học nghề điện, điện dân dụng, nấu ăn… và tham gia lao động trị liệu ở các tổ, đội sản xuất. Công tác tư vấn, hướng nghiệp sau cai được chú trọng nhằm giúp học viên sớm hòa nhập cuộc sống. Ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết: “Sau thời gian tập trung cai nghiện từ 18-24 tháng, hầu hết người nghiện đều tái hòa nhập cộng đồng, tỷ lệ người tái nghiện thấp. Song song với công tác cai nghiện, cơ sở còn tuyên truyền, tư vấn, tham vấn cho học viên để khuyến khích họ sớm tái hòa nhập và sống có ích với xã hội”.
Chị Nguyễn T.H. (26 tuổi, ở TP. Vũng Tàu) nghiện ma túy khi mới 20 tuổi. Tương lai, sự nghiệp học hành dang dở. Sau nhiều lần tự cai nghiện không thành, năm 2017, gia đình đưa chị vào cai nghiện tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh. Chị H. cho hay: “Trong thời gian điều trị ở trung tâm, tôi vừa được động viên, vừa được tư vấn kỹ năng phòng, chống tái nghiện, được tạo điều kiện học nghề, được tư vấn kỹ năng tìm kiếm việc làm. Tôi còn được cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng. Điều này giúp tôi tự tin hơn khi trở về với gia đình”.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Cùng với triển khai nhiều phương thức cai nghiện, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng phối hợp nhân rộng các mô hình tư vấn, hướng nghiệp cho người nghiện và sau cai nghiện ma túy. Trong đó, các địa phương thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng sau cai nghiện để có sự hỗ trợ kịp thời về ưu đãi vay vốn, học nghề… nhằm giúp người nghiện tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng Phòng LĐTBXH TP. Vũng Tàu cho rằng, công tác giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các học viên sau cai nghiện ít người có tay nghề cao. Ngành nghề họ được học không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng hoặc gặp phải sự kỳ thị của cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc giảm tỷ lệ người nghiện, tái nghiện trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn. Ông Phạm Minh Ân cho biết, Cơ sở có khả năng tiếp nhận khoảng 560 người nhưng thực tế luôn trong tình trạng quá tải từ 20-40%. Có thời điểm, số học viên tăng gấp đôi. Đó là chưa kể số đối tượng đang chờ có quyết định của tòa án để thực hiện cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, do thiếu nhân sự nên việc điều trị methadone cho người nghiện trong thời gian qua đang bị chậm lại.
Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, Đề án “Điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí” vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình là một số đối tượng lợi dụng chính sách cai nghiện tự nguyện để trốn tránh việc cai nghiện theo hình thức bắt buộc nên không bảo đảm thời gian cai nghiện theo đăng ký. Công tác quản lý đối tượng sau cai nghiện cũng gặp khó khăn.
Hiện nay, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh đang được nâng cấp, sửa chữa. Tỉnh cũng đã có chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tại huyện Xuyên Mộc với quy mô điều trị cho khoảng 1.000 người. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào năm 2020. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, giao các địa phương bố trí kinh phí phục vụ công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Thực hiện nhiệm vụ này, Sở LĐTBXH đã tổ chức kiểm tra toàn bộ các điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị ma túy trên địa bàn tỉnh nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp khắc phục.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN