Bước tiến mới trong điều trị bằng kỹ thuật thay khớp nhân tạo

Thứ Ba, 26/11/2019, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Kỹ thuật thay khớp nhân tạo được ứng dụng tại Bệnh viện (BV) Bà Rịa bắt đầu từ năm 2008. Sau hơn 10 năm ứng dụng thực tiễn, trình độ bác sĩ được nâng cao, kỹ thuật hiện đã được ứng dụng phổ biến cho nhiều dạng tổn thương, đem lại nhiều ưu điểm cho bệnh nhân hơn như ít đau, phục hồi sớm…

Các bác sĩ Khoa CTCH, BV Bà Rịa thăm khám cho một bệnh nhân vừa được phẫu thuật thay khớp háng.
Các bác sĩ Khoa CTCH, BV Bà Rịa thăm khám cho một bệnh nhân vừa được phẫu thuật thay khớp háng.

Ông Ngô Đình Khanh (61 tuổi, ở xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) bị thoái hóa khớp đã hơn 2 năm. Nửa năm trở lại đây, chân trái của ông thường xuyên lên cơn đau nhức thấu xương, khiến ông đi lại, sinh hoạt ngày càng khó khăn. Lần gần đây nhất, ông đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc, bác sĩ đánh giá tình trạng viêm khớp của ông đã quá nặng và cần phải thay khớp háng toàn phần. Trung tâm đã chuyển viện cho ông lên BV Bà Rịa để phẫu thuật thay khớp. Ông nói: “Ban đầu tôi có ý định chuyển lên BV Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh để thay khớp. Tuy nhiên, sau khi nghe các bác sĩ tư vấn, hơn nữa tôi cũng an tâm, tin tưởng tay nghề của đội ngũ bác sĩ ở đây, nên đã quyết định phẫu thuật tại BV Bà Rịa. Sau phẫu thuật, sức khỏe của tôi hồi phục tốt, sinh hoạt, vận động đã trở lại bình thường”.

Tương tự, ông Bùi Thành Cùng (60 tuổi, ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cũng vừa được thay khớp háng toàn phần tại BV Bà Rịa. Ông bị thoái hóa khớp đã gần 10 năm. Đến giờ, khớp háng của ông đã hư hỏng toàn bộ, khiến ông không thể cử động đi lại bình thường. Lần này, ông nhập viện để thay khớp háng bên phải. “Trước khi chưa thay khớp, ngày đêm tôi phải chịu đựng những cơn đau vật vã mỗi khi cử động dù chỉ là đưa chân lên xuống. Mỗi ngày tôi phải uống khá nhiều thuốc giảm đau cũng không còn tác dụng. Ngày thứ 3 sau khi mổ xong, tôi đã có thể đi vịn quanh giường, còn bây giờ tôi như được trở lại với cuộc sống trước đây, có thể cùng con cháu đi tản bộ, dạo chơi”, ông Thành bày tỏ.

Hai trường hợp kể trên là những bệnh nhân đã được BV Bà Rịa điều trị hiệu quả tổn thương thoái hóa khớp bằng phương pháp phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Đây là một trong những kỹ thuật cao đã được BV Bà Rịa triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH), BV Bà Rịa cho biết, kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo bao gồm kỹ thuật thay khớp háng toàn phần hay thay khớp háng bán phần. So với trước đây, kỹ thuật thay khớp háng ngày nay ít gây tổn thương. Bệnh nhân có thể bắt đầu phục hồi vận động trở lại chỉ sau 3 ngày phẫu thuật thay khớp.

Được biết, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo mới chỉ được áp dụng trong vài năm trở lại đây tại Việt Nam và BV Bà Rịa là một trong những BV tuyến tỉnh thực hiện thành công kỹ thuật này. Kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm và tay nghề cao, cùng với trang thiết bị hiện đại, phòng mổ đảm bảo vô trùng tuyệt đối mới đem lại hiệu quả tối đa.

Kỹ thuật thay khớp háng ngày nay còn được ứng dụng hiệu quả đối với bệnh nhân lớn tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi với phương pháp thay khớp háng bán phần chuôi dài. Phương pháp này giúp cố định chuôi khớp vững chắc hơn so với các trường hợp gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi. Điều này giúp bệnh nhân vận  động được sớm ngay sau phẫu thuật, giảm đau tốt hơn, giảm thời gian nằm viện, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bác sĩ Nguyễn Phương Nam cho hay, kỹ thuật này được ứng dụng phổ biến tại các BV tuyến trên, các quốc gia trên thế giới từ năm 2009. Tuy nhiên, tại BV Bà Rịa, thời gian đầu do lượng bệnh nhân còn ít nên BV chưa triển khai. Đến năm 2017, lượng bệnh nhân bắt đầu tăng lên, BV đã cử ê-kíp gồm 3 bác sĩ đi học về kỹ thuật này tại BV Chợ Rẫy và BV ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh để triển khai. Từ đó cho đến nay, trung bình mỗi tháng, BV đã điều trị thành công cho khoảng 4 đến 6 trường hợp.

“Trước đây, điều trị phẫu thuật ở người cao tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi rất khó khăn, thường phải sử dụng phương tiện kết hợp bằng các loại nẹp vít khóa, đinh gamma, thường làm cho tỷ lệ liền xương thấp, hay gặp biến chứng chậm liền xương, khớp giả, gãy đinh, hoại tử chỏm… làm cho bệnh nhân không vận động sớm được, đau đớn kéo dài và phải chịu thời gian bất động lâu. Phương pháp thay khớp háng được ứng dụng trong trường hợp này đã giải quyết được những hạn chế nói trên, đem lại hiệu quả nâng cao chất lượng điều trị rõ rệt cho bệnh nhân”, bác sĩ Nam phân tích thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Nam, với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản, Khoa CTCH sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng những kỹ thuật mới, giúp người dân trong tỉnh được sử dụng những dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến ngay tại địa phương.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.