Tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ não) là một căn bệnh để lại hậu quả rất nặng nề như bán thân bất toại, nói khó hoặc cấm khẩu, miệng méo, lưỡi lệch, mất cảm giác, sa sút trí tuệ, co giật kiểu động kinh... Một số bài thuốc dân gian dùng ngâm chân có thể hỗ trợ làm giảm những triệu chứng này ở bệnh nhân tai biến mạch máu não.
Bài 1: Nước tự nhiên hoặc nước khoáng đun sôi để nguội đến mức 38-43 độ C rồi ngâm chân trong chừng 30 phút, nước nguội thì hâm lại cho đạt độ ấm thích hợp. Khi ngâm, nước ấm sẽ kích thích vào các vùng phản xạ và các huyệt vị có tác dụng điều hòa khí huyết, lập lại cân bằng âm dương, phục hồi công năng của các tạng phủ, trong đó có não bộ và hệ thống thần kinh trung ương mà đạt được hiệu quả chữa bệnh.
Bài 2: Lộ lộ thông 30g, quế chi 15g, thiên niên kiện 25g, ngưu tất 20g, đương quy 15g, hồng hoa 10g, thân cốt đằng 25g, thấu cốt thảo 15g, uy linh tiên 20g, mộc qua 15g, ngũ gia bì 20g, sắc lấy nước ngâm chân. Phương này có công dụng hoạt huyết tan ứ, cường gân mạnh cốt, thông kinh hoạt lạc, làm hết tê bì.
Bài 3: Gừng tươi 60g, dấm ăn 100g, sắc lấy nước ngâm chân. Phương thuốc này có công dụng phát tán phong hàn, thông kinh hoạt lạc, rất có ích cho việc phục hồi công năng các tạng phủ, kích thích sự phục hồi của các chi thể bị liệt bại.
Bài 4: Hoàng kỳ 90g, khương hoạt 40g, uy linh tiên 90g, nhũ hương 40g, một dược 20g, hổ phách 20g, nhục quế 10g, dấm ăn 100g, sắc lấy nước ngâm chân. Trong phương thuốc, hoàng kỳ ích khí hoạt huyết, làm giảm huyết áp; khương hoạt khu phong trừ thấp; uy linh tiên thông kinh hoạt lạc, tuyên thông ngũ tạng; nhũ hương và một dược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, giảm đau; hổ phách trấn kinh an thần, hoạt huyết hóa ứ; nhục quế ôn dương, làm giãn huyết quản, hỗ trợ máu lưu thông; dấm ăn bình can trấn phong. Phương thuốc này rất hữu ích cho việc trị liệu di chứng hậu trúng phong.
Bài 5: Xuyên sơn giáp 12g, chế xuyên điểu 10g, thông chấp 20ml, sắc lấy nước ngâm chân. Trong phương thuốc, xuyên sơn giáp hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc, kết hợp với xuyên điểu và thông chấp có tác dụng trừ phong, giảm đau, làm tan huyết ứ, rất có lợi cho việc phục hồi di chứng trúng phong.
Bài 6: Thư cân thảo 30g, thấu cốt thảo 30g và hồng hoa 30g, sắc lấy nước ngâm chân, mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 15-20 phút. Công dụng: khứ phong lợi thấp, ôn kinh, hoạt huyết thông lạc, chuyên dùng cho người di chứng trúng phong, tay chân co quắp.
Bài 7: Mộc qua, tang chi, đương quy, hoàng kỳ, xích thược và xuyên khung mỗi vị 50g, hồng hoa 15g, sắc lấy nước ngâm chân, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút. Công dụng: ích khí hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc, dùng cho người di chứng trúng phong bán thân bất toại.
Bài 8: Hoàng kỳ 30-50g, xích thược, quy vĩ, can địa long, xuyên khung, đào nhân và hồng hoa mỗi vị 9g, đan sâm 15g, cương tàm 9g và ngô công 3 con, sắc lấy nước ngâm chân mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút. Công dụng: ích khí hoạt huyết, khứ ứ thông lạc, tức phong chỉ kính, dùng rất tốt cho việc trị liệu các chứng trạng hậu trúng phong.
Bài 9: Rễ thương nhĩ tươi 60g, nấu nước ngâm chân, mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 30 phút. Công dụng: tiêu thũng trừ phù, chuyên dùng cho những người bị phù nề tay chân hậu di chứng trúng phong, thường sau 7 ngày là đạt hiệu quả tốt.
NGUYỄN THI (tổng hợp)