.

"Bà hỏa" luôn rình rập các chợ dân sinh!

Cập nhật: 19:47, 25/11/2019 (GMT+7)

Hiện nay, hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh do được xây dựng từ lâu, nên cơ sở vật chất đã xuống cấp; một số chợ chưa có hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, nên luôn trong tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao. Bên cạnh đó, một số chợ tuy mới được đầu tư đưa vào hoạt động, nhưng hệ thống PCCC chưa đồng bộ nên đã xảy ra cháy, gây thiệt hại tài sản của tiểu thương.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH số 3 - Công an tỉnh đã kịp thời ứng cứu và dập tắt đám cháy tại 2 ki ốt  trong chợ Mỹ Xuân vào ngày 26/10 vừa qua.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH số 3 - Công an tỉnh đã kịp thời ứng cứu và dập tắt đám cháy tại 2 ki ốt trong chợ Mỹ Xuân vào ngày 26/10 vừa qua.

NHIỀU NGUY CƠ CHÁY, NỔ

Đại úy Nguyễn Phú Quốc, Phó Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh cho biết, hiện nay, tại các chợ dân sinh vẫn tồn tại nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ như: Tự ý câu mắc dây dẫn điện, sử dụng thêm thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế ban đầu; các dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện đã cũ, không được bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng; đốt nhang, đèn thờ cúng tại các ki ốt, đốt vàng mã trong khu vực chợ; hàng hóa, vật tư dễ cháy sắp xếp gần các thiết bị tiêu thụ điện, ổ cắm điện; các tiểu thương quên không tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng; sắp xếp, bố trí hàng hóa còn lấn chiếm lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC dẫn đến tăng khả năng gây ra cháy lan, cháy lớn khi có sự cố xảy ra.

Vụ cháy chợ Mỹ Xuân (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) ngày 26/10 vừa qua có nguyên nhân như nêu trên. Khoảng 5 giờ 30 phút sáng cùng ngày, tiểu thương tại khu bán thực phẩm phát hiện khói bốc lên nghi ngút tại ki ốt của bà Huỳnh Thị Trợ - hộ kinh doanh vàng mã, sau đó lửa đã cháy lan sang ki ốt của chị Nguyễn Thị Kim Dung - hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp (mỗi ki ốt có diện tích 9m2 trong nhà lồng chợ). Sau đó, Ban Quản lý (BQL) chợ Mỹ Xuân và các tiểu thương đã dùng bình chữa cháy tại chỗ để dập lửa, nhưng do ki ốt bằng cửa cuốn khóa kín nên việc tiếp cận đám cháy gặp nhiều khó khăn. 

Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH số 3 - Công an tỉnh điều 3 xe chữa cháy và hàng chục chiến sĩ đến phá cửa cuốn và dập tắt đám cháy. Đến khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, vụ cháy đã được dập tắt hoàn toàn, rất may vụ cháy không thiệt hại về người nhưng hàng hóa tại 2 ki ốt bị thiêu rụi. “Ki ốt bên cạnh chập điện, nên đã cháy lan sang ki ốt của tôi. Toàn bộ hàng cũ và hàng mới tôi mới nhập về đã bị thiêu rụi, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng”, chị Dung tiếc nuối cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó BQL chợ Mỹ Xuân cho biết, chợ Mỹ Xuân mới đưa vào hoạt động từ ngày 17/10. Chợ có diện tích hơn 2,5ha, chia làm 5 khu với 116 ki ốt. Chợ được trang bị hệ thống PCCC tự động, mỗi ki ốt 2 bình chữa cháy và phun bọt, quanh chợ có 8 trụ nước cứu hỏa, 1 máy bơm. Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra cháy thì hệ thống báo cháy tự động chưa được đấu nối vào hệ thống điện 3 pha nên không có tín hiệu báo cháy. Nguyên nhân cháy ki ốt vừa qua do người dân tự ý câu móc điện dẫn đến chập điện.

Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Xuân cho biết, trên địa bàn phường hiện có 2 chợ gồm chợ Mỹ Xuân và chợ Mỹ Thạnh. Hiện nay, 2 chợ đều có tổ PCCC. Hàng năm, lực lượng PCCC tại chỗ đều được tập huấn để ứng phó kịp thời các sự cố cháy, nổ xảy ra. Tuy nhiên, lực lượng PCCC tại chỗ vẫn còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác, nên chưa chú tâm đối với công tác PCCC. Không những vậy, một bộ phận tiểu thương còn chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các hướng dẫn về PCCC của cơ quan chức năng.

Qua khảo sát của phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp nên không bảo đảm an toàn PCCC. Ví dụ như tại chợ phường 1, TP.Vũng Tàu đã được đưa vào sử dụng từ mấy chục năm nay, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống báo cháy không có; các dây dẫn điện được các tiểu thương câu móc tùy tiện, đan xen chằng chịt và không được đi trong ống cách nhiệt: hàng hóa để lấn chiếm lối đi; vách ki ốt được ngăn bằng những tấm ván, cột gỗ đã cũ mục, mái tôn gỉ sét thủng lỗ chỗ nên tiểu thương phải lấy bạt che tạm.

Ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn thành phố có 10 chợ dân sinh. Hiện nay, hầu hết các chợ xây dựng lâu năm nên đã xuống cấp trầm trọng chưa bảo đảm công tác PCCC theo quy định. Một số tiểu thương còn chứa hàng trong các thùng sắt, thùng gỗ che chắn ngay cửa các ki ốt nên khó khăn cho công tác chữa cháy khi có sự cố. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận tiểu thương chưa cao, ảnh hưởng chung đến an toàn về cháy, nổ.

Hệ thống báo cháy tự động chợ Mỹ Xuân chưa hoạt động vì chưa được đấu nối vào nguồn điện 3 pha.
Hệ thống báo cháy tự động chợ Mỹ Xuân chưa hoạt động vì chưa được đấu nối vào nguồn điện 3 pha.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PCCC

Theo Đại úy Nguyễn Phú Quốc, để phòng chống cháy, nổ tại các chợ dân sinh, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với chính quyền địa phương, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC đến BQL chợ và các tiểu thương để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC. Trong thời gian tới, BQL các chợ phải thường xuyên kiểm tra các hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng điện, việc bố trí, sắp xếp và lưu trữ hàng hóa, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về PCCC. Chủ động tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo các tình huống giả định. Yêu cầu các tiểu thương kinh doanh các loại hàng hóa dễ cháy chủ động trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ theo quy định của Luật PCCC. “Lực lượng Cảnh sát PCCC luôn sẵn sàng hỗ trợ các BQL chợ trong công tác PCCC, xây dựng phương án và tổ chức diễn tập chữa cháy và CNCH tại chợ. Đồng thời, cũng sẽ thường xuyên kiểm tra công tác PCCC các chợ, kịp thời chấn chỉnh sai sót và xử lý nghiêm vi phạm”, Đại úy Nguyễn Phú Quốc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Trường cho biết, hiện nay, các chợ trên địa bàn thành phố như: Vũng Tàu, Bến Đình, Rạch Dừa… đã và đang được đầu tư hệ thống báo cháy tự động, thay mới hệ thống điện. Đồng thời, BQL các chợ đã đưa ra kế hoạch và hành động cụ thể để chấn chỉnh, sắp xếp lại hàng hóa của các tiểu thương lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn. “Phòng Kinh tế đã đề nghị UBND TP.Vũng Tàu cấp kinh phí thực tập, diễn tập công tác PCCC cho các BQL chợ. Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC cho cán bộ, nhân viên và tiểu thương. Thường xuyên tuyên truyền quy định pháp luật về PCCC, xây dựng và phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong chữa cháy”, ông Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh. 

Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy”, quy định: Phạt tiền từ 300-500 ngàn đồng đối với hành vi: Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn; Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng với hành vi, sử dụng nguồn lửa, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm, sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế.

Tuy nhiên, không chỉ đối với TP.Vũng Tàu mà các địa phương khác nơi vẫn còn nhiều chợ truyền thống hoạt động trên địa bàn như TP.Bà Rịa, huyện Long Điền, Xuyên Mộc hay Châu Đức... cũng cần thường xuyên có phương án PCCC tại các chợ; bổ sung nguồn kinh phí địa phương bảo đảm để công tác này hoạt động hiệu quả. 

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

.
.
.