Vẫn chưa hết lo với sốt xuất huyết

Thứ Sáu, 25/10/2019, 20:39 [GMT+7]
In bài này
.

Theo ghi nhận từ ngành y tế, dù đã bước vào giai đoạn cuối mùa mưa, đầu mùa khô, diễn biến bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn đáng lo ngại khi số ca bệnh tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. 

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân đang điều trị SXH tại Khoa Nội, BV Lê Lợi.
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân đang điều trị SXH tại Khoa Nội, BV Lê Lợi.

SỐ CA MẮC VẪN CAO

Theo đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, diễn tiến số ca mắc SXH tăng cao nhất là vào tuần 34 (18-25/8) với 818 ca, các tuần sau đó đã bắt đầu giảm dần. Tính đến tuần 42 (15-21/10), số ca mắc còn 196 ca, giảm 196 ca so với tuần trước đó. Đặc biệt, số ca mắc SXH giảm nhiều ở những xã, phường có can thiệp phun hóa chất diện rộng, hoặc duy trì thường xuyên chiến dịch diệt lăng quăng. 

Dù vậy, SXH hiện rất đáng lo ngại, bởi số ca mắc tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Hơn nữa, một số huyện, thành phố như: TP. Bà Rịa, huyện Long Điền trước tuần 34 có số ca mắc thấp thì từ tuần 34 trở đi số ca mắc lại có chiều hướng tăng cao.

Ghi nhận tại các bệnh viện (BV), số ca mắc SXH nhập viện vẫn chưa “hạ nhiệt”. Chẳng hạn, tại Khoa Nội, BV Lê Lợi, thời điểm này, trung bình mỗi ngày ở khoa luôn có khoảng 15-18 bệnh nhân SXH nằm viện, cao điểm có ngày lên tới 32 bệnh nhân, trong khi đó, một bộ phận người dân còn thờ ơ với dấu hiệu của bệnh. Đơn cử, anh T.Q.A. (20 tuổi, phường 10, TP.Vũng Tàu) đang nằm điều trị SXH tại BV Lê Lợi cho hay, mấy ngày đầu mới bị sốt cao, anh tự ra nhà thuốc mua thuốc hạ sốt về uống. Sau 4 ngày sốt cao không hạ, lại không thể ăn uống, kiệt sức, đau quặn bụng, anh mới đến BV khám và được chẩn đoán SXH phải nhập viện điều trị. “Tôi cũng có nghe nhiều về bệnh SXH, nhưng cứ nghĩ mình đang trẻ, khỏe, sức đề kháng tốt nên chủ quan”, anh A. thổ lộ.

Bác sĩ Lê Quốc Bàn, Trưởng Khoa Nội, BV Lê Lợi cho biết, hiện nay số ca SXH nhập viện vẫn còn cao, tuy nhiên đa số các trường hợp đều diễn tiến thông thường, không có trường hợp biến chứng nặng. Một số ca SXH có dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, tiểu cầu giảm, men gan cao, xuất huyết,... cũng đã được theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời. Có một trường hợp SXH bị tổn thương gan nặng do bệnh lý viêm gan B kèm theo đã được BV cho chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời.

CÒN NHIỀU YẾU TỐ GÂY DỊCH TIỀM ẨN

Qua khảo sát của Sở Y tế trong đợt ra quân chiến dịch diệt lăng quăng mới đây (18/10), trên địa bàn các phường, xã vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ có thể khiến dịch bệnh lan rộng. Công tác diệt lăng quăng tại một số địa bàn chưa đạt hiệu quả. Chẳng hạn, khảo sát địa bàn khu phố 5, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu, một trong những “điểm nóng” về SXH cho thấy, số ổ lăng quăng rất nhiều với mật độ cao trên khu vực bãi đất trống rộng gần 74 ngàn m2 thuộc tổ 13 của khu phố này. Theo quan sát của chúng tôi (PV), hơn chục hố đào thoát nước của công trình xây dựng dở dang trên bãi đất này là nơi cư trú dày đặc lăng quăng. Ngoài ra, các bãi rác, lùm cây trên khu đất chưa được dọn dẹp, phát quang chứa rất nhiều vật dụng phế thải, hố nước đọng làm ổ cho lăng quăng sinh trưởng. Ông Nguyễn Hữu Nam, Khu phố trưởng Khu phố 5 cho hay: “Đây là khu đất san lấp ao để xây dựng công trình khu nhà ở cho quân nhân của Trung đoàn E261. Khu vực này quá rộng nên chúng tôi không thể đủ sức dọn dẹp, thu gom vật dụng phế thải ở đây. Chúng tôi đã đề nghị chính quyền cấp trên có chỉ đạo phía Trung đoàn hỗ trợ, hợp tác để dọn dẹp khu vực này”.

Bên cạnh đó, cũng qua khảo sát của các đoàn kiểm tra Sở Y tế tại một số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, nhiều ổ lăng quăng nằm trong các vật dụng phế thải, vật dụng ít được người dân chú ý dọn vệ sinh như lu chứa nước nấu rượu, thùng rác không có nắp đậy, đáy xô nước lau nhà để ngoài trời, mép nắp thùng sơn cũ… 

Bác sĩ Lương Chính Thiên, phụ trách chương trình phòng chống SXH, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, những yếu tố nguy cơ cần phải được kiểm soát chặt chẽ mới có thể giảm dần số ca mắc SXH. Do đó, về phía ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác đánh giá, chỉ ra các điểm nguy cơ cao về dịch bệnh; đồng thời đánh giá mức độ để tổ chức dập dịch diện rộng, duy trì diệt lăng quăng hàng tuần ở những xã, phường hoặc khu phố, ấp có nguy cơ cao.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 12.052 trường hợp SXH, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 20 trường hợp bị nặng và 5 trường hợp tử vong. Tổng số ổ dịch SXH đã phát hiện là 2.309 ổ, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Những xã, phường có số ca mắc hàng tuần vẫn duy trì mức cao gồm: phường 10, 11, 12, phường Thắng Nhất (TP.Vũng Tàu); phường Long Toàn, xã Hòa Long, phường Long Tâm (TP.Bà Rịa); TT. Ngãi Giao, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức); phường Mỹ Xuân, phường Tân Hải (TX.Phú Mỹ); TT.Phước Bửu; xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), xã Phước Hưng (huyện Long Điền); các khu dân cư số 7 (huyện Côn Đảo); TT.Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ).

“Riêng về công tác vãng gia, trong bối cảnh nhân lực còn hạn chế, các địa phương nên tổ chức theo các đợt. Ở đợt đầu tiên, đội vãng gia sẽ tổ chức đi toàn bộ các hộ gia đình trên địa bàn phụ trách theo hình thức “cuốn chiếu”, để đánh giá những hộ nguy cơ cao. Các đợt sau đó sẽ tập trung chủ yếu ở những hộ có nguy cơ cao, chứ không tiếp tục vãng gia dàn trải. Trong quá trình vãng gia, cần chỉ rõ cho các gia đình các nơi ẩn nấp của muỗi, lăng quăng và yêu cầu, hướng dẫn họ tự xử lý, dưới sự giám sát của đội. Đối với những hộ gia đình, đơn vị cố tình không hợp tác, tái phạm nhiều lần cần áp dụng hình thức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”, bác sĩ Thiên cho biết thêm.

Dự báo trong tháng cuối năm, tình hình SXH vẫn còn đáng lo ngại. Do đó, ngành y tế, chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục tập trung các hoạt động: Tổ chức các đợt ra quân chiến dịch diệt lăng quăng nhằm giảm mật độ ổ lăng quăng xuống mức cho phép; Tiếp tục theo dõi đánh giá các yếu tố nguy cơ ở những địa bàn có số ca mắc cao và địa bàn đang có số ca mắc tăng để có giải pháp can thiệp sớm không để dịch bùng phát; Tăng cường hoạt động kiểm tra các điểm nguy cơ về dịch bệnh…

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.