Trang trại "Nghĩa tôm"

Chủ Nhật, 13/10/2019, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.
Dù không ít lần thất bại, nhưng ông Lê Trọng Nghĩa (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) vẫn theo đuổi đến cùng nghề nuôi tôm. Và thành quả cuối cùng cũng đến với người đàn ông giàu ý chí này. Trại tôm của ông cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Ông trở thành 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc được vinh danh trong năm 2019.
Ông Lê Trọng Nghĩa thu hoạch tôm.
Ông Lê Trọng Nghĩa thu hoạch tôm.

 

Đầu những năm 2000, nghề nuôi tôm bắt đầu nở rộ tại xã Lộc An. Nhận thấy tiềm năng, ông Nghĩa quyết định đầu tư. Tuy nhiên, 2 vụ tôm đầu tiên chỉ mang lại cho ông “trái đắng” khi tôm chết trắng đùng. Biết mình chưa có kinh nghiệm, ông đăng ký tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh; tham khảo thêm sách báo, tài liệu; rồi lặn lội xuống các tỉnh miền Tây tham quan các mô hình thành công để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, ông tìm đến những trung tâm uy tín tại tỉnh Khánh Hòa mua tôm giống để nuôi. “Nhờ đó, những vụ tôm tiếp theo liên tục thuận lợi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ số vốn có được, tôi tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay, tôi đang có tổng cộng khoảng 5ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Với tổng sản lượng tôm thu được khoảng gần 60 tấn/năm. Tôi thu lãi khoảng 1-1,5 tỷ đồng/năm”, ông Nghĩa cho hay.

Ông Nghĩa cho biết, sau khoảng thời gian thành công liên tiếp từ nuôi tôm, đến khoảng năm 2013, không chỉ riêng ông mà một số hộ trong vùng liên tiếp thất bại do tôm bị dịch đốm trắng. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy sau nhiều năm, môi trường nước đã không được ổn định như trước. Nhờ kiến thức đã học được, ông đã tìm ra giải pháp bằng cách nuôi xen canh tôm và cá chẽm. “Nuôi cá chẽm không có lợi nhuận cao như tôm nhưng ổn định và ít rủi ro. Quan trọng nhất, việc xen canh 2 loài này sẽ cải tạo được môi trường nước. Do đó, các ao, đùng của tôi cứ nuôi 1-2 vụ tôm sẽ chuyển sang thả 1 vụ cá chẽm. Từ khi áp dụng hình thức này, rủi ro trong nuôi tôm của tôi giảm rõ rệt. Hiện, mỗi năm tôi thu hoạch 40-50 tấn cá chẽm, thu lãi khoảng 500-600 triệu đồng”, ông Nghĩa thông tin.

Ông Phạm Duy Ân, Chủ tịch HND xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết, không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Nghĩa còn là người rất nhiệt tình tham gia đóng góp các hoạt động, phong trào của xã. Ông thường xuyên ủng hộ các nông dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vốn để bà con làm ăn. Nếu ai có nhu cầu, ông còn bỏ công, bỏ sức tới tận nơi hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, cá chẽm. Nhờ những thành tích nổi bật trên, ông liên tục được ghi nhận, khen thưởng của UBND tỉnh, Hội nông dân các cấp.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.