Đầu năm học 2019-2020, UBND tỉnh, ngành GD-ĐT và các địa phương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác thu, chi các khoản đầu năm theo quy định. Tuy nhiên, một số trường học vẫn chủ trương thu thêm một số khoản ngoài quy định khiến phụ huynh băn khoăn.
Việc lắp máy lạnh tại các lớp học ở Trường TH Quang Trung (TP.Vũng Tàu) do chi hội phụ huynh vận động cha mẹ HS tự nguyện đóng góp. |
PHỤ HUYNH CHƯA ĐỒNG THUẬN
Chị H.T.D. có con học lớp 4 tại Trường TH Quang Trung (TP. Vũng Tàu) cho biết, đầu năm học, chị đã đóng cho con các khoản như: Quỹ lớp, tiền ăn, phục vụ, cơ sở vật chất bán trú; kỹ năng sống; học bơi, lắp máy lạnh, cộng với các khoản mua sắm sách vở, quần áo… hết khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này gần bằng một tháng lương của chị. Trong đó, chị D. băn khoăn với khoản thu 600 ngàn đồng để lắp máy lạnh và trả tiền điện (học kỳ I) cho các con. Khoản thu này do Chi hội phụ huynh của lớp thu theo hình thức thỏa thuận, tự nguyện, không chia bình quân theo đầu người và miễn đóng góp đối với những HS có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi cho rằng không cần thiết phải lắp máy lạnh trong lớp học cho HS, bởi lo ngại việc mở máy lạnh cả ngày có thể ảnh hưởng tới sức khỏe các cháu và tốn thêm chi phí của phụ huynh”, chị D. nói. Giải đáp thắc mắc này, cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung cho biết, nhà trường đang thực hiện mô hình “3 trong 1” (ăn, học, ngủ tại lớp). Đầu năm học này, nhiều chi hội phụ huynh các lớp có đơn gửi Ban giám hiệu nhà trường cho phép vận động phụ huynh tự nguyện góp tiền để lắp máy lạnh ở các lớp. Do đường điện nhà trường không bảo đảm nên trường chỉ cho một số lớp thực hiện, trong đó ưu tiên cho khối lớp 1, 2 và các lớp ở hướng Tây. Nhà trường đã yêu cầu chi hội phụ huynh các lớp thỏa thuận và đóng góp tự nguyện đối với khoản thu này. “Việc lắp máy lạnh do phụ huynh tự nguyện đóng góp và không thu đối với các trường hợp khó khăn. Hiện nay, trường có 15/38 lớp lắp máy lạnh. Nhà trường yêu cầu các lớp chỉ mở máy lạnh từ 10 giờ đến 15 giờ hàng ngày”, cô Hoa thông tin thêm.
Anh N.T.A. ở TP. Bà Rịa phản ánh, ngoài các khoản thu chung, năm học 2019-2020 Trường TH Lê Thành Duy còn thu thêm 2 khoản: Thuê người dọn nhà vệ sinh, quét lớp (14.000 đồng/em/tháng) và trực an ninh cổng trường (5.000 đồng/em/tháng). Về vấn đề này, cô Phan Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy lý giải, tình hình an ninh trật tự ngoài cổng trường khá phức tạp. Vì vậy, nhà trường thu 5.000 đồng/em/tháng để bồi dưỡng cho lực lượng dân quân tự vệ địa phương trực bảo đảm an ninh tại cổng trường, bảo vệ HS. Còn khoản thu dọn nhà vệ sinh, quét lớp cũng xuất phát từ việc nhà trường chỉ có một nhân viên vệ sinh, không thể đảm nhận công việc này cho toàn bộ khuôn viên của trường. Do đó, nhà trường dự định thuê thêm lao động và thu 14.000 đồng/em/tháng để chi trả. Cô Nga cho biết thêm, đến ngày 25/9, trường mới nhận được văn bản của UBND TP. Bà Rịa về ban hành khung mức thu khác theo thỏa thuận với cha mẹ HS, trong đó có 2 khoản vừa nêu. Theo văn bản trên, khoản thuê dọn vệ sinh có mức thu từ 9.000-12.000 đồng/HS/tháng. Nhà trường thỏa thuận với phụ huynh chọn mức tối đa và thu thêm 2.000 đồng/em/tháng để thuê quét lớp. Còn khoản thu bảo đảm an ninh trước cổng trường, quy định khung từ 3.000-8.000 đồng/HS/tháng, trường chọn mức 5.000 đồng/em/tháng. Tuy nhiên, cô Nga thừa nhận: “Trước khi UBND TP. Bà Rịa chưa ban hành văn bản về khung mức thu, một số lớp đã tổ chức thu 2 khoản trên khiến phụ huynh băn khoăn. Nhà trường đã nhắc nhở và rút kinh nghiệm với các GV chủ nhiệm”.
CHỈ THU ĐỦ BÙ CHI
Theo khảo sát của phóng viên, các khoản thu bắt buộc và tự nguyện đầu năm học khoảng từ 800 ngàn đồng/HS trở lên (trừ bậc MN). Đây là khoản tiền không nhỏ với các gia đình còn khó khăn và có đông con đi học. Do đó, ngay từ đầu năm học 2019-2020 ngành GD-ĐT cùng các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác thu và sử dụng các khoản thu.
Thầy Ngô Văn Phát, Phó hiệu trưởng Trường TH Suối Nghệ (huyện Châu Đức) cho biết, hoàn cảnh của nhiều HS trong trường còn khó khăn. Do vậy, đầu năm học, nhà trường đã công khai, lấy ý kiến thỏa thuận và vận động cha mẹ HS về một số khoản thu phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, khen thưởng HS… với mức 250 ngàn đồng/HS/năm học. “Những khoản này là thu tự nguyện nên trường không chia trên đầu người mà chỉ vận động phụ huynh đóng góp. Gia đình khó khăn có thể không góp nhưng HS vẫn được hưởng quyền lợi như nhau”, thầy Phát nói. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường học khác trên địa bàn huyện Châu Đức cũng thỏa thuận mức thu dựa vào điều kiện kinh tế và thu nhập của người dân.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa cho biết, năm học 2019-2020, thành phố đã ban hành khung mức thu đối với 12 khoản để các trường học trên địa bàn thỏa thuận với phụ huynh, lựa chọn mức thu phù hợp. Các trường thực hiện theo nguyên tắc thu đủ bù chi. Trường hợp nhu cầu chi thấp hơn dự toán ban đầu, nhà trường tự cân đối điều chỉnh giảm mức thu. Việc thu và chi phải được xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, có kế hoạch cụ thể từng khoản thu, chi và phải thông qua ý kiến của Ban đại diện cha mẹ HS trước khi thực hiện. Nhà trường công khai thu, chi các khoản với phụ huynh, hạch toán đầy đủ vào sổ sách và báo cáo quyết toán với Phòng GD-ĐT theo từng khoản. “Các trường tuyệt đối không để phát sinh các khoản thu không có chủ trương của cấp thẩm quyền”, ông Tài nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, về nguyên tắc thu các khoản, các trường học phải thảo luận, thống nhất chủ trương, kế hoạch thu với phụ huynh ngay từ đầu năm học. Các trường thu theo hình thức thỏa thuận, tự nguyện, chỉ thu đủ bù chi, mang tính chất phục vụ chứ không kinh doanh. Phụ huynh có quyền từ chối các khoản thu theo thỏa thuận phục vụ hoặc đóng góp tự nguyện có tính chất dịch vụ, xã hội hóa nếu thấy không phù hợp hoặc không có khả năng đóng góp. Về chi, các nhà trường chi đúng mục đích và nội dung liên quan đến hoạt động thu. Cơ sở giáo dục xây dựng phương án chi theo từng nội dung thực hiện, thống nhất với Ban đại diện cha mẹ HS. Các trường học phải công khai, minh bạch các khoản thu, chi để phụ huynh biết và giám sát. “Các địa phương cần kiểm tra tình hình thu đầu năm để kịp thời ngăn chặn các trường hợp thu các khoản ngoài quy định, tránh tình trạng gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội”, ông Giang thông tin thêm.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG - PHI DŨNG