Mù mắt sau khi làm đẹp bằng filler

Thứ Ba, 29/10/2019, 19:59 [GMT+7]
In bài này
.

Tiêm filler là một phương pháp làm đẹp đang được các chị em phụ nữ rất ưa chuộng. Tuy nhiên, gần đây, tại các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm chất làm đẹp này.

Các bác sĩ phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại BV Mắt tỉnh (ảnh minh họa).
Các bác sĩ phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại BV Mắt tỉnh (ảnh minh họa).

Mới đây, vào chiều 25/10, BV Mắt tỉnh đã tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ (52 tuổi ở TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) bị tổn thương mắt nghiêm trọng sau khi đi làm đẹp bằng phương pháp tiêm filler tại một cơ sở spa trên địa bàn. Bác sĩ Trần Thị Trang Xuân, Khoa Khám bệnh - Cấp cứu BV Mắt cho hay, bệnh nhân vào viện trong tình trạng mắt trái nhìn mờ, mất cảm nhận ánh sáng, hai mắt và mũi sưng tím. Qua thăm khám cho thấy, giác mạc phù, tắc động mạch võng mạc cản trở máu không lưu thông lên mắt gây mù mắt trái. Nguyên nhân do người tiêm filler cho bệnh nhân đã tiêm sai vị trí, trúng vào mạch máu, cụ thể là động mạch trung tâm võng mạc.

Khai thác bệnh sử của bệnh nhân thì được biết, trước đó bệnh nhân nghe giới thiệu của một spa quảng cáo có nhân viên thẩm mỹ đến từ TP.Hồ Chí Minh về làm đẹp, nên đã đến spa này để  nâng cung mày, sống mũi bằng phương pháp tiêm chất làm đầy filler. Đây là phương pháp làm đẹp phổ biến mà chị em phụ nữ đang rất ưa chuộng. Sau khi tiêm xong, nữ bệnh nhân có dấu hiệu sưng phù nề mắt, đau buốt vùng mũi nhưng nghĩ là do tác dụng phụ của tiêm thuốc. Đến ngày thứ hai, bệnh nhân thấy đỡ sưng, nhưng không nhìn rõ ánh sáng nên đến BV Mắt để khám.

“Tình trạng của bệnh nhân khá nặng, có nguy cơ sẽ mù lòa vĩnh viễn nên BV buộc phải lập tức chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để có phương pháp điều trị kỹ thuật cao hơn, hy vọng phần nào cứu vãn thị lực cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những biến chứng khác do tiêm filler trúng mạch máu thì sẽ còn dai dẳng, đặc biệt là nguy cơ  gây hoại tử mũi”, bác sĩ Xuân lo ngại.

Bệnh nhân bị biến chứng mù mắt sau khi tiêm filler làm đẹp.
Bệnh nhân bị biến chứng mù mắt sau khi tiêm filler làm đẹp.

Trước đó, tại TP.Hồ Chí Minh, liên tiếp nhiều trường hợp biến chứng mù mắt do tắc động mạch máu, hoại tử mũi sau khi tiêm filler làm đẹp tại các cơ sở làm đẹp tự phát.

Theo bác sĩ Trần Thị Trang Xuân, filler là một chất làm đầy, nguồn gốc axit, có thể tồn tại lâu trong cơ thể (4-6 tháng) nên được sử dụng trong phương pháp làm đẹp căng da mặt, nâng mũi, độn cằm… Tuy nhiên, việc tiêm chất filler dù chỉ để làm đẹp cũng cần phải có kỹ thuật, chuyên môn về lĩnh vực bác sĩ thẩm mỹ. Bởi đây là một kỹ thuật xâm lấn, chỉ cần tiêm không đúng liều lượng, sai vị trí là có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như trường hợp kể trên. Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường đang xuất hiện nhiều loại chất filler không rõ nguồn gốc, rao bán với giá rẻ, nguy cơ gây biến chứng cho người dùng như tạo u cục, nhiễm trùng trên da…

Chất làm đầy (filler) là các hoạt chất tổng hợp được dùng để thay thế hoặc tăng thể tích mô bị mất do chấn thương, phẫu thuật, lão hóa da hoặc để cải thiện đường nét thẩm mỹ trên khuôn mặt. Filler được sử dụng lần đầu tiên trên thế giới trong một ca phẫu thuật ghép mỡ từ tay vào vùng mặt từ năm 1893. Từ đó đến nay, chất làm đầy đã trải qua quá trình phát triển vượt bậc để đạt được hiệu quả cao và an toàn cho người sử dụng như Hyaluronic Acid (HA), Calcium Hydroxylapatite (CaHA),… Quá trình tiêm chất làm đầy diễn ra nhanh chóng, ít đau (kem tê thường được sử dụng để giảm cảm giác đau), hiệu quả thấy ngay sau khi thực hiện và giữ được từ 6 tháng đến 2 năm (với loại chất làm đầy tạm thời) là ưu điểm vượt trội của việc tiêm chất làm đầy so với các phương pháp trẻ hóa khác. Biến chứng có thể gặp khi tiêm chất làm đầy bao gồm: bầm tím, sưng nơi tiêm, nổi mụn, đỏ da, châm chích, tắc mạch máu, áp xe, hoại tử vùng tiêm.

Mỗi phương pháp làm đẹp đều có ưu điểm nhất định song cũng tồn tại không ít những tai biến, rủi ro không mong muốn nếu không thực hiện đúng quy trình. Do đó, các chị em đang có ý định làm đẹp cần tìm hiểu kỹ về phương pháp mà mình muốn làm đẹp; nhất là những phương pháp làm đẹp xâm lấn vào các bộ phận cơ thể, cần yêu cầu người thực hiện phương pháp phải là bác sĩ có chuyên môn về chuyên ngành thẩm mỹ, nơi thực hiện phải bảo đảm quy trình vô khuẩn. Hiện nay, hầu hết những trường hợp biến chứng do tiêm filler đều là do tiêm ở những cơ sở làm đẹp tự phát, không được cấp phép. Do đó, khi tiêm filler, chị em cần tìm hiểu kỹ về cơ sở làm đẹp mà mình dự định thực hiện, ngay cả khi đó là cơ sở mà bạn bè, người thân đã làm và giới thiệu.

“Bất cứ phương pháp làm đẹp nào cũng có thể xảy ra những rủi ro. Tuy nhiên, việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ là vô cùng quan trọng để hạn chế thấp nhất các nguy cơ rủi ro do làm đẹp gây ra. Sau khi làm đẹp bằng phương pháp tiêm filler, nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường như đau nhức, sưng phù nề, nhìn mờ… cần lập tức đến cơ sở khám, chữa bệnh thăm khám ngay, để được chữa trị kịp thời”, bác sĩ Xuân khuyến cáo.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.