Đồng hành với người khuyết tật

Thứ Năm, 24/10/2019, 19:02 [GMT+7]
In bài này
.

Thành lập từ tháng 12/2017, CLB Người điếc TP. Vũng Tàu là nơi để các thành viên chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Bên cạnh đó, CLB còn tổ chức nhiều hoạt động giúp người điếc rèn luyện kỹ năng sống, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Chị Duy Phúc (trên cùng) và nhóm nhảy trong bài múa tại buổi họp mặt do Hội LHTN TP. Vũng Tàu tổ chức.
Chị Duy Phúc (trên cùng) và nhóm nhảy trong bài múa tại buổi họp mặt do Hội LHTN TP. Vũng Tàu tổ chức.

HỌC ĐỂ GIAO TIẾP

Đã thành lệ, 14 giờ chiều ngày Chủ nhật, các thành viên CLB Người điếc lại có mặt tại số 10, Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu để tham gia lớp ngôn ngữ ký hiệu (thủ ngữ). Lớp học do chị Hoàng Duy Phúc, Chủ nhiệm và chị Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Chủ nhiệm CLB hướng dẫn. Buổi học ngày 20/10 có 15 người điếc và một số người quan tâm đến ngôn ngữ ký hiệu. Chủ đề của bài học hôm đó là về giao thông. Chị Vân Anh viết những từ vựng liên quan đến bài học, như: cầu, đèn giao thông, đường hầm, đường một chiều, đường hai chiều, đường cấm, chở 2, chở 3… lên bảng. Sau đó, chị hướng dẫn mọi người thực hành theo ký hiệu tay với từng từ. Sau 2 tiếng, mọi người đã có thể “trò chuyện” được cả câu trọn vẹn, chẳng hạn: Tôi đi đường hai chiều/Xe chở 2 người/Không đi vào đường cấm…

Với người điếc, khi không thể nghe, nói, họ thường ra dấu bằng tay, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được suy nghĩ, mong muốn của họ. Nhận thấy điều này, đầu năm 2019, Ban Chủ nhiệm CLB Người điếc Vũng Tàu đã mở lớp dạy ngôn ngữ (miễn phí) cho người điếc và những người khác có nhu cầu. Ngoài các học viên đến từ TP. Vũng Tàu, một số người từ TP. Bà Rịa, huyện Châu Đức cũng lặn lội đến lớp.

Từ trái qua, chị Nguyễn Thị Vân Anh và Hoàng Duy Phúc hướng dẫn các thành viên CLB Người điếc TP. Vũng Tàu cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.
Từ trái qua, chị Nguyễn Thị Vân Anh và Hoàng Duy Phúc hướng dẫn các thành viên CLB Người điếc TP. Vũng Tàu cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

Từ khi tham gia lớp học đến nay, anh Huỳnh Minh Quang (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) đều chăm chỉ đi học. Anh Quang bị câm điếc bẩm sinh nên chỉ học đến lớp 3 thì nghỉ. Được giới thiệu đến lớp học này, anh rất mừng. “Tôi gần như đã quên hết kiến thức đã học từ nhỏ nên giờ phải học lại từ đầu. Dẫu vậy, tôi rất vui vì mình có thể nói chuyện được với mọi người”, anh Quang chia sẻ.

Bên cạnh người câm, điếc, lớp học còn thu hút nhiều học viên là người bình thường. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (456/11B2, Bình Giã, TP. Vũng Tàu) cho biết, bà có người con là Lê Quang Hòa, bị điếc bẩm sinh. Năm nay, Hòa 22 tuổi, mới học hết lớp 11. “Trước đây, do không có điều kiện nên con tôi không được can thiệp sớm. Sau này, tôi gửi cháu tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật (TP. Bà Rịa), rồi tiếp tục cho cháu học THCS, THPT tại Trung tâm Nghiên cứu Thúc đẩy Văn hóa điếc (tỉnh Đồng Nai). Năm ngoái, khi đang học lớp 11, Hòa có dấu hiệu trầm cảm nên gia đình xin cho cháu bảo lưu kết quả và đón về. Khi Hội Người điếc mở lớp ngôn ngữ ký hiệu, tôi đăng ký học và hiện nay đã có thể trò chuyện cùng con, qua đó phần nào hiểu con hơn. Thấy cháu vui vẻ hơn, gia đình tôi rất mừng”, bà Minh chia sẻ .

TẠO SÂN CHƠI  CHO NGƯỜI ĐIẾC

Chị Duy Phúc, SN 1988, tai phải bị hẹp ống dẫn nên điếc hoàn toàn, còn tai trái điếc độ 3. Chị sớm được cấy ốc tai điện tử nên phần nào hòa nhập được với cộng đồng. Chị học cách đọc “khẩu hình” để hiểu hơn khi mọi người nói chuyện. Nỗ lực gấp 2, gấp 3 người bình thường, chị đã tốt nghiêp ĐH Giao thông Vận tải. Dù vậy, chị Phúc rất khó xin việc vì hạn chế về thính giác. “Từ năm 2018, tôi trở thành nhân viên kinh doanh cho 2 hãng dầu nhớt và hiện có thu nhập ổn định. Tôi đã nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua mặc cảm của bản thân và những rào cản của xã hội để chứng minh mình cũng có thể làm việc như người bình thường”, chị Duy Phúc chia sẻ.

Hiện nay, CLB Người điếc Vũng Tàu có 27 thành viên (chiếm khoảng 10% số người điếc trên địa bàn thành phố). Chị Duy Phúc cho rằng còn nhiều người điếc, đặc biệt là ở vùng xa, do gia đình không có điều kiện nên họ không được đi học và hoàn toàn “mù ngôn ngữ”. Vì vậy, ngay cả những người cùng cảnh ngộ cũng không thể “nói chuyện” với nhau. Chị trăn trở, làm sao để người điếc hòa nhập được với nhau, hòa nhập được với cộng đồng nên nảy ra sáng kiến mở lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu để giúp họ có nơi sinh hoạt, trò chuyện.

Trong khi đó, chị Vân Anh là người câm điếc bẩm sinh. Chị cũng đã học xong chương trình THPT tại Đồng Nai và muốn chuyển lại những kiến thức cơ bản của mình cho người khác với mong muốn được “trò chuyện”, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ. “Tôi tự soạn giáo án và truyền đạt bằng kinh nghiệm cá nhân của mình. Tôi rất vui vì giúp mọi người hiểu được ngôn ngữ ký hiệu và thêm hiểu nhau hơn”, chị Vân Anh nói.

Ngoài mở lớp dạy ký hiệu ngôn ngữ, CLB còn lập fanpage “Câu lạc bộ Người điếc Vũng Tàu” trên facebook làm nơi trao đổi, chia sẻ chuyện vui buồn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chị Phúc còn kết nối, tạo sân chơi cho các thành viên trong CLB tham gia một số hoạt động giao lưu, văn nghệ.

Điều chị Phúc trăn trở là hiện cuộc sống của người điếc gặp nhiều khó khăn do khó tìm việc làm vì các chủ DN không muốn nhận người điếc. Do đó, cuộc sống của họ hầu như phụ thuộc vào người thân. “Tôi hy vọng các thành viên CLB sẽ có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân. Đây là mục tiêu khó, đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người điếc và sự chia sẻ, thông cảm của cộng đồng”, chị Phúc bày tỏ.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.