Ông bà ta đã dạy “liệu cơm gắp mắm”, dụng ý khuyên răn người đời biết tính toán, chi tiêu hợp lý, phù hợp điều kiện và hoàn cảnh. Nhưng trong cuộc sống, nhiều người đã “vung tay quá trán”, mua sắm cho bằng bạn bằng bè, trong khi điều kiện kinh tế còn eo hẹp. Điều đó khiến gia đình bất hòa, vợ chồng lục đục.
Minh họa: MINH SƠN |
Vừa hát, vừa khệ nệ cùng thợ bê cái tivi to tổ chảng vào nhà, gương mặt chàng vui lắm. Bước vào phòng khách, chàng kiêu hãnh cất giọng: “Vợ đâu? Ra bảo cái coi. Phải thế này mới “hết sảy con bà Bảy”. Ra mà xem nè”. Chưa hết, ngoài ra còn có cả các phụ kiện như loa, ampli, micro… dành cho dàn karaoke nữa chứ. Trong lúc chờ vợ, chàng lại cất lên tiếng hát rất ư mãn nguyện.
Một khi làm việc tốt, chẳng hạn mua sắm vật dụng trong nhà, người chồng nào cũng ưỡn ngực tự hào. Cô vợ nào mà không vui sướng ra mặt?
Quả nhiên, với trường hợp của Tấn - bạn tôi cũng thế. Lát sau, điều bất ngờ là anh bạn nghe rõ mồn một: “Anh có bị làm sao không đấy? Còn vác thêm cái này về nhà nữa à?”. Tấn cười khì khì: “Màn hình to, rộng xem chương trình mới “đã”. Dàn âm thanh thứ xịn thì “luyện giọng” mới chuẩn”. Đúng quá đi chứ? Không ngờ, cô vợ vẫn còn nhăn nhó: “Nhà mình như cái hộp diêm, đặt ở đâu bây giờ?”. “À, câu hỏi đó đúng lắm”, Tấn lẩm bẩm trong bụng nhưng đã lỡ mua rồi, bèn chống chế: “Ừ, thì đặt ngay tại phòng khách nè”. Cô vợ hỏi lại: “Thế, các bức tranh sơn dầu này treo ở đâu?”.
Khó thật. Đôi khi nhà nhỏ, cũng khó bày biện theo ý thích nhưng rồi nhiều người vẫn cứ sắm. Đã sang nhà Tấn nhiều lần nên tôi thừa biết, cái tivi to cỡ đó chẳng phù hợp chút nào cả. Hơn nữa, vợ chồng Tấn đang sống trong căn hộ chung cư thì làm sao có thể thoải mái mở hết volume, tụ tập đông đảo bè bạn hát hò cho sướng miệng?
Vậy, có phải họ thật sự có nhu cầu sử dụng hay vì lý do gì khác?
Với câu hỏi này, khi tôi tò mò thăm dò, Tấn nói ngay: “Tháng trước, tôi dẫn vợ đi tân gia nhà người bạn thân. Nhìn thấy bộ “đồ nghề” karaoke loại này, vợ tôi và mọi người đều khen nức nở. Mà phải công nhận nó đáng khen lắm vì xem hình và nghe âm thanh không chê vào đâu được. Đẳng cấp ghê”. Thế là, nhân lãnh tiền thưởng của cơ quan, Tấn lẳng lặng rinh ngay một bộ y chang về nhà, nhưng vì muốn vợ bất ngờ nên cậu không thèm trao đổi trước.
Nhiều người có tâm lý “họ sao mình vậy”. Dù thu nhập không bằng họ nhưng bày biện trong nhà, chưng diện lúc đến đám đông thì cũng phải “bằng chị bằng em”. Sở dĩ như thế, một phần do họ nghĩ có như thế mới “đẳng cấp”; và dù có không “ngang cơ” đi nữa, nhưng đó là chuyện khác, còn lúc thể hiện bề ngoài thì quyết không thua kém. Vấn đề này khó nói đúng hoặc sai, vì còn tùy thuộc vào nếp sống, quan niệm sống của mỗi người. Tôi không dám có ý kiến. Tuy nhiên, cũng số tiền đó, nếu cân nhắc phải sắm, phải mua cái gì phục vụ cho nhu cầu công việc ngay trước mắt thì vẫn tốt hơn chăng?
Sỡ dĩ nói như như vậy vì có một dạo, tôi phải trở thành chuyên gia hòa giải bất đắc dĩ. Cô út nhà tôi dù đã lập gia đình nhưng vẫn còn “ham hố” lắm, thích chưng diện theo bạn theo bè. Một ngày đẹp trời, cô hí hửng xòe năm ngón tay và khoe cùng chồng: “Nè, anh thấy đẹp không? Sang trọng quá. Quý phái quá. Phải không anh? Khen một tiếng đi anh”. Nhìn cái nhẫn chạm hột kim cương sáng chói trên tay vợ, Thiên - em rể tôi giật thót người: “Bao nhiêu tiền hả em?”. Cô út cười khì khì: “Anh quê quá xá là quê. Ai lại đề cập đến chuyện tiền? Với người phụ nữ, tiền chỉ là chuyện nhỏ, vấn đề quan trọng là tiền bỏ ra mua cái nhẫn này có đẹp, có sang không? Anh nhận xét đi”.
Trong lúc cô vợ thúc giục một cách hào hứng thì trong đầu người chồng đang nghĩ gì? Tỉ tê với tôi, cậu ta cười như mếu: “Nếu rủng rỉnh tiền bạc, chẳng sao. Như anh biết đó, cả hai đang tằn tiện vì cần thay cái máy giặt, lắp thêm cái máy lạnh, rồi nâng cấp cái máy vi tính cho con bé… Ối dào, bao nhiêu khoản tiền phải lo. Thế mà em gái anh vung tay một phát là cả hàng chục triệu bay cái vèo. Hỏi anh, đặt vào trường hợp như em thì anh có ức không?”.
Tất nhiên rồi, sao lại không ức cơ chứ? Dù nghĩ vậy, nhưng tôi không nói ra, bèn đánh trống lảng: “Lúc đó, em trả lời câu hỏi của cái út ra làm sao?”. Thiên cười khì khì: “Em nói thật nhé. Em bảo, đại khái, đẹp thì có đẹp nhưng không đeo thì vẫn đẹp hơn. Biết em nói móc, thế là vợ em giận luôn. Rồi nói qua nói lại, cả hai đều hăng tiết vịt, thế là giận nhau cả tuần”.
Lại nói về anh bạn Tấn của tôi. Hôm rồi gặp lại, tôi hỏi: “Giọng ca đến đâu rồi? Với dàn karaoke xịn đã sắm, bấy lâu nay luyện chắc giọng đã “ngon”. Dịp tới, ông đăng ký thi hát với nhau trong khối đoàn thể cơ quan mình nhé?”. Hỏi một cách thành thật, vì tôi thật lòng nghĩ thế chứ có ý gì khác đâu, nào ngờ Tấn thở dài cái sượt: “Thiệt đến khổ. Hát với hò cái gì? Lại chật chội cửa nhà. Chỉ hát dăm ba lần là “trùm mềm” luôn cho tới giờ”. Tôi ngạc nhiên: “Ơ hay, thế thì phí quá đi mất”. Hắn bảo: “Ừ, hôm nào đóng thùng chuyển về quê cho ông bà già vợ vậy. Mà không biết ổng bả có còn gân cốt để hát nữa không?”.
Ai cũng cho rằng, một khi đã yêu thương nhau, nếu mua sắm cái gì đó khiến “nửa kia” hài lòng, thích thú, ưng ý thì “nửa này” sẵn sàng, ủng hộ ngay thôi. Nhưng lúc chưa dư dả gì mấy, vấn đề “liệu cơm gắp mắm” là cần thiết. Cần nên tính toán cái gì cần mua trước, cái gì cần sau. Chứ nổi hứng “ngang xương” với tâm lý “họ sao mình vậy”, e rằng bất cập lắm.
LÊ MINH QUỐC