Các trường nghề thiếu nguồn tuyển sinh

Thứ Ba, 22/10/2019, 17:50 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm trước, đến khoảng tháng 9, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, năm nay, đến thời điểm giữa tháng 10, một số trường vẫn còn tiếp tục tuyển sinh vì chưa đủ chỉ tiêu, trong khi nguồn tuyển gần như đã hết. Vì sao có tình trạng này?

SV Trường CĐ Quốc tế VABIS trong giờ thực hành nghề hàn.
SV Trường CĐ Quốc tế VABIS trong giờ thực hành nghề hàn.

TUYỂN SINH KHÓ KHĂN

Theo nhận định của Ban Giám hiệu các trường: CĐ Du lịch Vũng Tàu, CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, CĐ Quốc tế VABIS…, học nghề có nhiều ưu điểm so với học ĐH như: Thời gian học tập ngắn, chương trình đào tạo gắn liền với thực tế nên khi ra trường, học viên dễ xin việc làm, có thu nhập khá, từ 6-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đa số phụ huynh, HS vẫn còn có tâm lý chuộng bằng cấp nên xu hướng ưu tiên học ĐH nhiều hơn. Hơn nữa, những năm gần đây, nhiều trường ĐH thực hiện song song 2 hình thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia lẫn kết quả học tập THPT, với điểm chuẩn tương đối thấp. Do đó, sau khi tốt nghiệp THPT, HS có nhiều cơ hội và dễ dàng trúng tuyển vào các trường ĐH, cho dù các em có học lực chỉ ở mức trung bình.

Ông Lê Phước Triều, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cho biết, năm 2019 trường tuyển 1.500 chỉ tiêu hệ CĐ và trung cấp chính quy với 15 nghề đào tạo. Tuy nhiên đến thời điểm này, trường mới tuyển được hơn 1.400 chỉ tiêu, trong đó một số nghề có số lượng HS đăng ký còn thấp như: Hàn, cắt gọt kim loại, cơ điện tử... Ông Triều phân tích, bên cạnh các trường ĐH ồ ạt tuyển sinh đã mở rộng cánh cửa cho nhiều HS đến với giảng đường ĐH, thì việc thiếu định hướng, phân luồng nghề nghiệp cho HS của các trường THPT có ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển sinh của các trường nghề. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết HS đã đậu ĐH nên nguồn dành cho các trường nghề rất ít. “Trường vẫn đang tiếp tục tuyển sinh với hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu được giao”, ông Triều nói.

Trường CĐ Quốc tế VABIS cũng trong tình trạng tương tự. Đến thời điểm này, nhà trường mới tuyển sinh được 150/500 SV. Ông Đỗ Quan Trường, Hiệu phó điều hành nhà trường cho biết, Trường CĐ Quốc tế VABIS là trường tư thục nên có nhiều bất lợi hơn các trường công lập. Trong khi trường công lập được Nhà nước hỗ trợ về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, học phí cho HS, SV… thì trường dân lập hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính nên gặp nhiều khó khăn. Hiện hệ đào tạo trung cấp có mức học phí khoảng 1,8 triệu đồng/kỳ/SV; hệ CĐ từ 3-4,7  triệu đồng/kỳ/SV (tùy theo nghề). Vì vậy, số HS đăng ký vào học tại trường rất ít, không đủ cung cấp cho các DN. Ông Trường nói thêm: “Chúng tôi đã nỗ lực thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng gắn liền giữa học lý thuyết với thực hành để HS, SV khi ra trường có tay nghề vững vàng, đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Qua đó, thu hút HS đăng ký vào học tại trường nhưng kết quả mùa tuyển sinh năm 2019 không đạt được mục tiêu đề ra”. 

Ông Phạm Cao Tố, Trưởng Phòng Đào tạo Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cho biết, mùa TS năm 2019, nhà trường đã tuyển được 360 SV hệ CĐ (đạt 100% chỉ tiêu), nhưng trường lại gặp khó khăn trong TS hệ trung cấp khi còn thiếu gần 100 chỉ tiêu. Ông Tố lý giải, sở dĩ hệ trung cấp của trường có ít HS nộp hồ sơ là do hệ CĐ của trường đào tạo trong thời gian 2 năm, hệ trung cấp có 1 năm. Thời gian học giữa hệ CĐ và trung cấp có sự chênh lệch không nhiều nên HS muốn học hệ CĐ hơn. “Hiện trường đang tiếp tục tuyển sinh các ngành thuộc hệ trung cấp đến tháng 12/2019, với hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu”, ông Tố nói.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

Ông Võ Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cho biết, trước mắt, nhà trường tiếp tục tuyển số chỉ tiêu còn thiếu. Trường cũng tăng cường phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đưa HS đến tham quan, tìm hiểu cơ sở vật chất, các ngành, nghề và chương trình đào tạo, tư vấn hướng nghiệp… để HS nắm bắt được thông tin cần thiết, từ đó có sự lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS và THPT.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, đầu năm học 2019-2020, Sở đã gửi văn bản yêu cầu các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS các trường THCS, THPT, thay đổi suy nghĩ của HS, phụ huynh về việc lựa chọn học nghề hay học ĐH. Các trường tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; đồng thời phối hợp với UBND các địa phương mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lao động nông thôn. Theo ông Hồng, các trường dạy nghề cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín và thương hiệu để thu hút người học. “Các trường liên kết với DN để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, nên dành nhiều thời gian cho HS, SV thực hành tại DN, qua đó tạo dựng mối quan hệ, hỗ trợ giải quyết việc làm cho SV khi ra trường”, ông Hồng nói. 

Bài, ảnh: LÂM PHONG

;
tuyển sinh trường y dược ĐH Duy Tân năm 2024
.