UBND tỉnh vừa có công văn hỏa tốc về việc thông tin tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống bệnh Whitmore.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TT-TT, Đài PTTH tỉnh, Báo BR-VT, các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thông tin tuyên truyền về bệnh Whitmore đến người dân trên địa bàn tỉnh để biết, chủ động phòng, chống bệnh.
Bệnh Whitmore (Melioidosis) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra, khó lây từ người này qua người khác, khó bùng phát thành dịch, nhưng có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh trong đất và nước. Vì vậy, để chủ động phòng bệnh, người dân được khuyến cáo cần: Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao; Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh; Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn; Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định và điều trị kịp thời.
Được biết, bệnh Whitmore còn được gọi là bệnh khuẩn “ăn thịt người”, thời gian gần đây ghi nhận một số ca mắc tại một số tỉnh, thành. Bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng triệu chứng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiếu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng. Bệnh có thể điều trị khỏi, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa.
LINH TRẦN