Là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước, hàng năm, Lễ hội Nghinh Ông ở Khu di tích đình thần Thắng Tam, TP.Vũng Tàu thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương tới tham dự. Trải qua nhiều thập kỷ, Lễ hội Nghinh Ông được duy trì và tổ chức với những nghi thức truyền thống mang đậm nét đặc trưng văn hóa làng chài, từng bước trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của TP.Vũng Tàu.
Đoàn rước biểu tượng cá Ông trong Lễ hội Nghinh Ông diễu hành trên đường phố Vũng Tàu năm 2018. Ảnh: MỸ LƯƠNG |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu cho biết, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu là lễ hội dân gian gắn với tín ngưỡng của ngư dân diễn ra thường niên dịp rằm tháng Tám. Năm nay, Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 14 đến 16/9 (tức ngày 16, 17 và 18/8 âm lịch). Đây là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân Vũng Tàu và là dịp quan trọng nhất để ngư dân tri ân cá Ông (cá voi), vị cứu tinh theo quan niệm của những người đánh cá và làm nghề biển nói chung. Đây cũng là dịp để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, giữ gìn sự bình yên cho biển cả. Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, Lễ hội còn là thông điệp gửi đến du khách về một TP.Vũng Tàu năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng. Đồng thời, TP.Vũng Tàu cũng đưa Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Năm nay, Lễ hội trùng vào cuối tuần, là cơ hội để thu hút khách du lịch đến với TP.Vũng Tàu.
Đình thần Thắng Tam được xây dựng vào năm Canh Thìn (1820), thời nhà Nguyễn, để thờ 3 vị tiền hiền có công khai sáng vùng đất Vũng Tàu. Sau đó, đến cuối thế kỷ 19, người dân địa phương xây dựng thêm miếu Bà Ngũ Hành và Lăng Ông Nam Hải, tạo thành Khu di tích Đình thần Thắng Tam như ngày nay. Hiện nay, trong Lăng Ông Nam Hải còn lưu giữ nhiều bộ xương cá Ông khổng lồ. Bộ lớn nhất có chiều dài lên đến 18m, do ngư dân BR-VT vớt được từ hơn 100 năm trước và nhiều đạo sắc do vua Thiệu Trị và Tự Đức phong vào các năm 1845, 1846, 1850 và 1853. Năm 1991, Đình thần Thắng Tam được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2009, đình được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục địa phương là Ngôi đình cổ xưa nhất tỉnh BR-VT.
Hàng năm, cứ đến dịp Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam - Vũng Tàu, hàng vạn người dân và du khách thập phương từ khắp nơi đã quy tụ về đây để thắp hương, khấn vái cầu an, tri ân các bậc tiền hiền và cá Ông. Đặc biệt, mọi người còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn như: hát bả trạo, hát bội, diễn tuồng…
|
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu lần thứ 9/2019 đã sẵn sàng. Theo đó nội dung hoạt động của Lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ do Ban quản lý khu Di tích lịch sử Đình Thắng Tam chủ trì phối hợp với các đình, lăng, miếu trên địa bàn thực hiện. Ông Trương Văn Khôi. Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đình Thắng Tam cho biết, điểm nhấn của lễ hội là chính Lễ Nghinh Ông diễn ra vào ngày 14/9 (nhằm ngày 16/8 âm lịch). Đúng 6 giờ sáng, đoàn rước kiệu nghinh Long vị Ông Nam Hải trên biển xuất phát. Tàu thuyền đi về hướng mũi Nghinh Phong khu vực Miếu Hòn Bà tiến hành tế lễ, sau đó đoàn quay về tập trung theo đội hình tại lễ đài (số 01, Bacu). Lễ rước với lộ trình là đường Quang Trung - Bacu- Trần Hưng Đạo - Hoàng Hoa Thám về Đình Thắng Tam. Sau đó cúng Giỗ Tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ; Lễ thỉnh Sắc Thần từ ngôi Tiền hiền Đình vào ngôi Lăng Ông; Chánh lễ cúng tế Ông Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần; Thỉnh Sắc thần và Long vị từ ngôi Lăng Ông vào ngôi Đình Thần; lễ Xây chầu Đại bội. 19 giờ 30 cùng ngày Đoàn hát trình diễn tuồng cổ. Ngày 15/9 (tức 17/8 âm lịch) đón các hiệp hội - di tích và nhân dân đến cúng lễ và trình diễn tuồng cổ. Ngày 16/9 (tức ngày 18/8 âm lịch) tiếp tục đón các hiệp hội - di tích và nhân dân đến cúng lễ, trình diễn tuồng cổ và bế mạc Lễ hội. Riêng về phần hội, các trò chơi dân gian liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt của ngư dân sẽ diễn ra trong ngày 15 và 16/9 với các nội dung như: hội thi bơi biển, câu cá; thi đấu các môn: kéo co nam nữ; đẩy cây nam; dẫn bóng sút cầu môn; trò chơi vận động; đan lưới...
Lễ hội Nghinh Ông chính là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, giúp cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mọi người được ấm no, đất nước được yên bình. Với ý nghĩa đó, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam mà cư dân miền biển của vùng đất BR-VT đã mang theo, kế thừa và phát triển với một tấm lòng trân trọng.
VÕ THANH