Khởi sắc vùng nông thôn mới

Thứ Ba, 24/09/2019, 20:52 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn huyện Châu Đức có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Châu Đức được đầu tư khá hoàn chỉnh, kết nối vùng miền thuận lợi. Trong ảnh: Khu vực vòng xoay TT.Ngãi Giao.
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Châu Đức được đầu tư khá hoàn chỉnh, kết nối vùng miền thuận lợi. Trong ảnh: Khu vực vòng xoay TT.Ngãi Giao.

HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC

Đến Châu Đức hôm nay, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những con đường trải nhựa chạy dài, kết nối vùng miền thông suốt; nhiều công trình phúc lợi công cộng, trường học, trạm y tế… khang trang; hệ thống kênh mương kiên cố, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của người dân các xã Sơn Bình, Suối Rao, Đá Bạc, Quảng Thành, Suối Nghệ… Để có được sự thay đổi ấy là sự nỗ lực vượt bậc trong suốt 10 năm qua của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết: những ngày đầu thực hiện Chương trình NTM vào năm 2010: Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đa phần là quy mô nhỏ, phân tán, hiệu quả sản xuất chưa cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi còn chậm; Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mặc dù đã từng bước được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn; Đời sống và thu nhập của người dân ở các vùng nông thôn còn thấp, nhiều lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định... Xuất phát điểm với những khó khăn đó phần nào ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực xây dựng NTM. Vậy nhưng, chỉ sau 10 năm triển khai, bộ mặt nông thôn của Châu Đức đã có nhiều đổi thay.

Thực hiện Chỉ thị số 10/2010/CT-UBND ngày 15/6/2010 của UBND tỉnh, huyện Châu Đức đã chọn Quảng Thành là xã đầu tiên để xây dựng NTM. Kết quả, năm 2014, xã Quảng Thành được công nhận đạt chuẩn NTM. Từ mô hình điểm, các cấp, các ngành, địa phương trong huyện đã rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp, nội dung, chính sách và mối quan hệ chỉ đạo giữa các cấp trong việc xây dựng NTM trên địa bàn.

Đi đôi với việc làm trên, công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở luôn được huyện chú trọng. Từ năm 2010 đến nay, Châu Đức đã cấp phát hơn 63 ngàn tờ rơi, sổ tay hỏi đáp về NTM...; tổ chức 32 lớp tập huấn về NTM cho hơn 1.600 lượt cán bộ cơ sở; phối hợp mở 116 lớp đào tạo nghề cho 4.000 lao động nông thôn; tổ chức các buổi đối thoại “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” giữa lãnh đạo huyện, xã với nhân dân, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, trong 10 năm xây dựng NTM, địa phương đã huy động được 4.490 tỷ đồng, trong đó các DN và nhân dân đóng góp 1.742 tỷ đồng; nhân dân tự nguyện hiến 344.680m2 đất, chặt bỏ 34.200 cây trồng các loại, tự tháo dỡ 13.500m tường rào… để mở rộng, bê tông hóa 320km đường giao thông thôn ấp, đường nội đồng.

KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Xà Bang là một trong những xã có được thành tựu đáng khích lệ trong xây dựng NTM của huyện Châu Đức. Ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Xà Bang cho biết, vào thời điểm năm 2014, xã Xà Bang chỉ đạt 10/19 tiêu chí NTM. Xã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả như trồng nấm linh chi, chế biến các sản phẩm từ hạt ca cao, hạt điều, trồng cây ăn trái… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, Cơ sở trồng nấm linh chi của gia đình ông Vũ Văn Khánh (ấp Liên Hiệp) cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. “Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 50 triệu đồng/người/năm, gấp 5 lần so với năm 2010”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm.

Khi NTM được triển khai, người dân được hưởng lợi từ những thành quả của chính mình góp sức. Ở xã NTM Cù Bị, người dân đã đóng góp 800 triệu đồng và 700 ngày công để lắp đặt đèn chiếu sáng cho 105 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 24,65km, tạo ra cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp ở địa bàn khu dân cư.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, cơ cấu nông nghiệp của huyện Châu Đức đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện có 63 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,9%/năm. Đến nay, huyện Châu Đức có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Quảng Thành, Cù Bị, Xà Bang, Suối Nghệ, Bình Ba và Xuân Sơn; thu nhập bình quân của người dân 47 triệu đồng/người/năm, tăng 32 triệu đồng so với năm 2010.

Mặt khác, NTM còn góp phần giảm nghèo hiệu quả. Ông Lê Tấn Dũng, Trưởng thôn Suối Nghệ, xã Suối Nghệ chia sẻ, toàn thôn có 686 hộ, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ xây dựng NTM mà điện, đường, trường học, Trung tâm Văn hóa xã… được tập trung đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống các gia đình cũng được từng bước nâng lên. Nếu như năm 2018, thôn Suối Nghệ có 28 hộ nghèo thì nay chỉ còn 17 hộ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Lê Thanh Liêm khẳng định: Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, công nghiệp, dịch vụ, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo nguồn lực để tái đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nông dân. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 10/14 xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. 

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.