Hướng tới không còn bệnh dại vào năm 2021: Cần hoàn thiện chế tài về quản lý vật nuôi

Chủ Nhật, 29/09/2019, 20:09 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2017 đến tháng 9/2019 cả nước ghi nhận 232 ca tử vong do bệnh dại. Tại BR-VT, từ năm 2014 đến nay, BR-VT không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn.

Lễ mít tinh hưởng ứng  Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại tổ chức tại TP.Bà Rịa.
Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại tổ chức tại TP.Bà Rịa.

Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh dại là người dân chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho thú nuôi là chó, mèo. Theo báo cáo của Chi cục Thú y, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 75%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại 25% chó chưa được tiêm phòng thường được thả rông, ít có sự kiểm soát về dịch bệnh. Trong khi đó, theo quy định, các xã, phường phải tổ chức đội chuyên bắt chó thả rông nhưng hầu như, công việc này đang bị bỏ ngõ ở các địa phương.

Một vấn đề nữa khiến công tác phòng chống bệnh dại gặp khó khăn là việc xử lý các hoạt động giết mổ chó mèo chưa có biện pháp phù hợp. Thực tế ở khắp nơi, hoạt động giết mổ, kinh doanh thịt chó, mèo diễn ra phổ biến, nhưng chưa có sự kiểm soát về nguồn gốc. Đây là nguồn nguy cơ lây lan bệnh dại rất đáng lo ngại.

Theo Chi cục Thú y, Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, để nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác phòng chống bệnh dại, Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ đưa thêm một số tiêu chí phòng, chống bệnh dại làm tiêu chí đánh giá đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nhân lực trong việc lập đội chuyên bắt chó thả rông ở các xã, phường để thúc đẩy triển khai hiệu quả hoạt động này. Ngoài ra, Bộ Y tế có kế hoạch chủ động để bảo đảm đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại đề điều trị cho người bị chó cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh dại (bởi hiện nay đang có tình trạng thiếu vắc xin, huyết thanh kháng dại tại một số trung tâm y tế huyện, thành phố).

Tại hội nghị sơ kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, diễn ra tại BR-VT, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, các địa phương cần chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dại. Đặc biệt cần tập trung tổ chức tốt công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi, có chế tài xử phạt những trường hợp không chấp hành quy định nuôi chó an toàn.

Nhân viên thú y tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho mèo trên địa bàn TP.Bà Rịa.
Nhân viên thú y tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho mèo trên địa bàn TP.Bà Rịa.

Chia sẻ về kinh nghiệm loại trừ bệnh dại trên thế giới tại hội nghị sơ kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, ông Pawin Padungtod  Padungtod, Điều phối viên cao cấp của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc) cho biết: “Thành công trong việc kiểm soát, loại trừ bệnh dại ở một số nước trên thế giới là nhờ vào việc ban hành và triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về phòng và kiểm soát bệnh dại. Trong đó tập trung nâng cao sự cam kết về mặt chính trị giữa chính quyền địa phương các cấp, giữa chủ nuôi chó với chính quyền địa phương trong việc quản lý chó, mèo nuôi, chó, mèo thả rông”.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến tháng 9/2019, tổng đàn chó của tỉnh là 66.097 con, đã triển khai tiêm được 46.600 liều vắc xin dại tại 82/82 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 75,50%. Cùng với hoạt động tiêm phòng vắc xin, biện pháp quản lý đàn chó cũng ngày càng được chặt chẽ hơn, như: Cấp giấy chứng nhận tiêm phòng, xử lý chó thả rông, chó không tiêm phòng; cấp 3.478 sổ đăng ký nuôi chó để được địa phương theo dõi quản lý đàn chó nuôi. Đồng thời ngành y tế đã triển khai 9 điểm tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại cho người dân trên địa bàn và hướng dẫn những người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng kịp thời.

Về việc nâng cao nâng thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại, bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng: “Cần tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên bằng nhiều hình thức tờ rơi, áp phích, tọa đàm, báo đài, loa phát thanh, họp tổ dân phố, ký cam kết, các buổi nói chuyện trong trường học, tập huấn... Nội dung tuyên truyền cần phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và tập trung nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó và nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại đối với con người và biện pháp phòng tránh”.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
;
.