GIẢI QUYẾT VẤN NẠN BẠO LỰC TRONG GIỚI TRẺ

Các giải pháp phải đồng bộ

Thứ Hai, 16/09/2019, 20:11 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực của giới trẻ, do xuất phát từ những hiềm khích nhỏ nhặt trong cuộc sống, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn dân cư. Vì vậy, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng cần phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, giải quyết vấn nạn này. 

Các đối tượng liên quan và hung khí trong vụ án gây rối trật tự công cộng, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực xảy ra tại Tỉnh lộ 44A, xã An Ngãi, huyện Long Điền.
Các đối tượng liên quan 
và hung khí trong vụ án gây rối trật tự công cộng, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực xảy ra tại Tỉnh lộ 44A, xã An Ngãi, huyện Long Điền.
và hung khí trong vụ án gây rối trật tự công cộng, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực xảy ra tại Tỉnh lộ 44A, xã An Ngãi, huyện Long Điền.

SẴN SÀNG HUNG KHÍ ĐỂ “XỬ” NHAU

Trong cuộc sống có rất nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn, nhưng hiện nay, một bộ phận giới trẻ lại chọn cách giải quyết bằng bạo lực để thị uy, chứng tỏ “bản lĩnh” của mình. Tuy nhiên, mâu thuẫn không được giải quyết, mà hậu quả là nhiều trường hợp có người bị thương tích hay thiệt mạng, có kẻ vướng vào vòng lao lý. 

Mới đây, qua công tác quản lý địa bàn, tối ngày 6/9, Công an TT.Long Hải nắm được nguồn tin có một nhóm thanh thiếu niên tụ tập tại nhà Trần T.B.H. (18 tuổi, trú tại khu phố Hải An, TT.Long Hải) để chuẩn bị đi đánh nhau. Lúc 22 giờ cùng ngày, Công an TT.Long Hải đã tổ chức kiểm tra hành chính nhà đối tượng B.H, phát hiện B.H. cùng 12 thanh thiếu niên khác (tuổi từ 14 đến 23) đang tụ tập ở đây. Qua kiểm tra tại căn nhà của B.H, lực lượng Công an thu giữ 3 cây chĩa, 11 vỏ chai bia, một chai xăng dùng để làm bom xăng cùng nhiều hung khí được các đối tượng này chuẩn bị để đi đánh nhau. 

Làm việc với cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, do Phạm Q.H. (21 tuổi, trú tại xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) có xảy ra mâu thuẫn với một nhóm thanh niên trú tại phường 12, TP.Vũng Tàu. Ngày 5/9, nhóm thanh niên ở TP.Vũng Tàu đến nhà B.H. (bạn của Q.H) tại TT.Long Hải tìm Q.H để giải quyết mâu thuẫn và đã làm hư hỏng một số tài sản trong nhà của B.H. Do đó, ngày 6/9, Q.H. và B.H. đã rủ thêm 10 đối tượng tụ tập cùng chuẩn bị hung khí để đánh nhau với nhóm thanh niên ở phường 12, TP.Vũng Tàu. Nhờ lực lượng Công an phát hiện kịp thời, nên đã ngăn chặn, không để cuộc hỗn chiến xảy ra.

Trước đó, ngày 31/8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Điền đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú 16 đối tượng (đa số từ 20-24 tuổi) liên quan tới vụ gây rối trật tự công cộng. Kết quả điều tra cho thấy, do mâu thuẫn trong tình cảm nam nữ, vào khoảng 20 giờ ngày 24/6, Nguyễn Ngọc Quang Minh (26 tuổi, trú tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền) và Nguyễn Trầm Thiện Thanh (33 tuổi, trú tại phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) xảy ra xô xát tại quán bar King Club (TP. Bà Rịa) nhưng được mọi người can ngăn. 

Sau khi ra về, cả Minh và Thanh đều tập hợp bạn bè của mình và chuẩn bị hung khí như dao, rựa, kiếm tự chế, gậy tre, chĩa sắt… mang theo để giải quyết mâu thuẫn. Đến khoảng 23 giờ 15 phút cùng ngày, hai nhóm gặp nhau tại đoạn đường thuộc Tỉnh lộ 44 A, địa bàn xã An Ngãi, huyện Long Điền. Sau khi nói chuyện vài câu, hai bên xông vào hỗn chiến, đâm chém loạn xạ làm nhiều đối tượng của cả hai nhóm bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. 

NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Theo Tiến sĩ Lê Thị Lan Phương, chuyên gia tâm lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn tâm lý Châu Á - ASIA MCC (TP. Vũng Tàu), một thực tế không thể phủ nhận là xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xảy ra ở độ tuổi thanh, thiếu niên ngày càng gia tăng. Đây là lối sống buông thả của một bộ phận giới trẻ thiếu kỹ năng kiềm chế cơn giận, cũng như tác động tiêu cực từ các sản phẩm nghe nhìn mang tính bạo lực… đã khiến các đối tượng này ứng xử theo chiều hướng thích sử dụng “nắm đấm, cú đá hay hung khí” thay cho lời nói cảm thông, mà không kịp suy nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra. Mâu thuẫn nảy sinh dù nhỏ, thậm chí có khi không liên quan đến bản thân cũng dễ dẫn đến những hành động bạo lực nếu bị sự lôi kéo, kích động từ người khác theo “tâm lý đám đông”.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Trung tá Phạm Phước Bình, Phó Công an huyện Long Điền cho biết, qua các vụ án xảy ra tại địa bàn trong thời gian qua, nguyên nhân giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực xuất phát từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống như: chê bai nhau trên mạng xã hội, vô tình va quệt nhau trong sinh hoạt, hay cho là mình bị “nhìn đểu”... nhưng do thiếu suy nghĩ thiệt hơn, thiếu kiềm chế bản thân mà một bộ phận giới trẻ lại đẩy mâu thuẫn lên cao và giải quyết bằng bạo lực. 

Bên cạnh đó, một số gia đình còn mải làm ăn nên không quan tâm, thiếu phương pháp giáo dục, thiếu sự kiểm soát việc sinh hoạt của con em mình, để các em sống buông thả nên rất dễ có hành vi trái đạo đức xã hội. Về phía các bạn trẻ, bản thân thiếu được tu dưỡng, rèn luyện, tâm lý nông nổi, hiếu thắng, thích bắt chước kiểu “người hùng” trong phim ảnh bạo lực để thị uy, chứng tỏ mình nên dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. “Trong 2 vụ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực xảy ra tại huyện Long Điền nêu trên, nhiều đối tượng không liên quan trực tiếp đến nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn ban đầu, nhưng do bạn bè rủ rê tham gia đã có hành vi vi phạm pháp luật”, Trung tá Phạm Phước Bình nhận định. 

Thường xuyên cập nhật, tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên là một trong những giái pháp nhằm giảm thiểu những vụ vi phạm pháp luật trong giới trẻ.   Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ dán bản tin thanh niên  và xem thông tin về tình hình an ninh trật tự tại một điểm bản tin công cộng trên địa bàn.
Thường xuyên cập nhật, tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên là một trong những giái pháp nhằm giảm thiểu những vụ vi phạm pháp luật trong giới trẻ. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ dán bản tin thanh niên và xem thông tin về tình hình an ninh trật tự tại một điểm bản tin công cộng trên địa bàn.

CHÚ TRỌNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC

Theo Tiến sĩ Lê Thị Lan Phương, kéo giảm xu hướng bạo lực trong ứng xử của giới trẻ là việc làm đòi hỏi những giải pháp mang tính hệ thống và đồng bộ. Trong đó, mỗi bậc phụ huynh, mỗi gia đình cần phải hết sức quan tâm, sẻ chia và đồng cảm với các em cũng như hướng dẫn các kỹ năng mềm trong cuộc sống; chủ động tạo điều kiện cho con em mình tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội lành mạnh; thường xuyên dạy bảo, giáo dục các em về đạo đức, lối sống, giá trị của bản thân; khơi gợi “cái thiện”, sự nhân ái, lòng yêu thương luôn vốn có trong mỗi con người thông qua những câu chuyện kể mang đậm tính nhân văn.

Luật sư Vũ Anh Thao, Đoàn Luật sư BR-VT cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường đầu tư phúc lợi xã hội dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên để khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động lành mạnh, tích cực cho bản thân và xã hội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần xử lý kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc để răn đe đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu, kích động thanh thiếu niên thực hiện các hành vi mang tính chất bạo lực, côn đồ để giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày.

Còn Trung tá Phạm Phước Bình cho rằng, bên cạnh công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của giới trẻ, thì các ngành chức năng, đoàn thể cần phối hợp tốt với gia đình, nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục. Việc giáo dục phải tiến hành sớm và duy trì ở các cấp học nhằm tác động đến ý thức chấp hành pháp luật, lối sống lành mạnh, quan tâm yêu thương mọi người trong lứa tuổi học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên. Đặc biệt, cần coi trọng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng để phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương, gia đình và nhà trường đối với những em chưa ngoan, trẻ em đã có hành vi vi phạm pháp luật. 

Bài, ảnh: GIA BẢO - SƠN KHÊ

 
;
.