Đang trong thời điểm rất nhạy cảm của bệnh đau mắt đỏ

Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:44 [GMT+7]
In bài này
.

Từ cuối tháng 9 cho đến tháng 12, bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) tăng cao. Bệnh thường lây lan ở những nơi tập trung đông người, các trường học, nhóm trẻ. Do đó, mọi người cần chú ý các biện pháp phòng bệnh.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại phòng khám mắt, BV Mắt tỉnh.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại phòng khám mắt, BV Mắt tỉnh.

Những ngày qua, ghi nhận tại các phòng khám, bệnh viện, số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám đã bắt đầu xuất hiện rải rác. Chẳng hạn, tại BV Mắt tỉnh, trung bình mỗi ngày phòng khám có gần 100 lượt bệnh nhân đau mắt đỏ.

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, bệnh thường gia tăng và lây lan mạnh vào thời điểm giao mùa từ cuối tháng 9 đến tháng 12. Năm nay số ca đau mắt đỏ tuy chưa xuất hiện ồ ạt nhưng đã bắt đầu rải rác trong tuần qua. Nếu không phòng bệnh đúng cách, bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan. .

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát. Buổi sáng ngủ dậy, hai mắt bệnh nhân khó mở do nhiều ghèn dính chặt. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai. Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.

Khi chăm sóc mắt bị bệnh cần lau rửa ghèn mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Người bệnh không nhỏ vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Khi ra đường, người bệnh cần phải đeo kính để tránh khói bụi bay và các tác nhân gây hại cho mắt. Đối với trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ cần phải chăm sóc hết sức cẩn thận. Cha mẹ cho bé nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng băng gạc y tế hoặc bông gòn lau ngay ghèn và nước mắt chảy ra; có thể cho trẻ ngủ riêng để tránh lây nhiễm cho người nhà. Trước và sau khi chăm sóc cho trẻ cần rửa tay bằng xà bông. Quần áo và khăn của trẻ bị bệnh cần phải giặt bằng nước sôi, xà bông diệt khuẩn. Dùng giấy mềm hoặc khăn giấy ướt để lau khi trẻ ho, sổ mũi, ăn uống và chỉ dùng một lần rồi bỏ.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cách phòng tránh đau mắt đỏ quan trọng nhất là người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà bông, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung các vật dụng cá nhân như: khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày. Với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà bông đúng cách, vệ sinh nhỏ mắt mũi thường xuyên cho trẻ bằng thuốc nhỏ mắt mũi natri clorid 0.9 (có bán ở các nhà thuốc). Mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ. Khi bị bệnh cần được nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây lan vào cộng đồng; nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.