Chữa nhiệt miệng bằng bài thuốc dân gian

Thứ Sáu, 13/09/2019, 05:53 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiệt miệng là những nốt viêm loét trong khoang miệng, bề mặt lưỡi do vi rút, vi khuẩn gây ra. Bệnh gây đau rát, khó chịu, nóng bức trong miệng, khiến người bệnh ăn không ngon, ngủ không yên. Bên cạnh việc thăm khám và chữa trị của bác sĩ, một số bài thuốc dân gian có thể giúp người bệnh giảm những khó chịu, và mong lành vết loét. 

Bài 1: Diếp cá là một loại cây phổ biến trong đời sống hằng ngày bởi có nhiều công dụng trong nấu ăn cũng như trong điều trị một số bệnh. Diếp cá có vị cay, hơi lạnh, tác dụng tốt trong thanh nhiệt giải độc. Ngoài ra trong diếp cá còn tính kháng khuẩn, tiêu diệt ký sinh trùng, công dụng trong điều trị nhiệt miệng. Cách dùng: Bạn chuẩn bị 100g diếp cá, rửa sạch, bỏ phần cuốn già, đem giã nhuyễn hoặc xay sinh tố lấy nước rồi uống 2-3 lần mỗi ngày sẽ giúp những triệu chứng của nhiệt miệng nhanh chóng được đẩy lùi. Bạn cũng có thể sắc lấy nước 2-6g diếp cá, rồi chia ra uống trong ngày. Liên tục trong vài ngày bệnh sẽ lành.

Bài 2: Chữa nhiệt miệng bằng rau ngót. Đây là một trong những bài thuốc dân gian cực hiệu quả để chữa nhiệt miệng. Rau ngót có tính mát, thanh nhiệt, giải độc khi kết hợp với mật ong có tính kháng viêm giúp các vết nhiệt miệng nhanh chóng hồi phục. Chế biến cũng rất đơn giản, nhưng bạn cần chọn rau ngót sạch, không có các thành phần hóa học của thuốc trừ sâu hay chất bảo quản. Rửa sạch đem giã nhỏ chắt lấy nước cốt. Trộn cùng một ít mật ong rồi dùng tăm bông chấm lên những vết nhiệt miệng. Lưu ý cần để 5-10 phút rồi mới súc miệng lại. Kiên trì thực hiện sẽ nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng đau rát của nhiệt miệng.

Bài 3: Chữa nhiệt miệng bằng lá bàng. Lá bàng non có tính kháng khuẩn rất cao, có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn bên trong khoang miệng. Bạn nên chọn những lá bàng non, vì chúng chứa nhiều nhựa công dụng mới nhanh. Đem rửa sạch rồi đun sôi cùng với nước trong 30 phút với lửa nhỏ. Sau đó, đợi cho nước nguội bớt thì dùng để súc miệng. Làm như vậy nhiều lần sẽ giúp phục hồi lại các vết loét trong miệng, giảm đau đớn khó chịu do nhiệt miệng gây ra.

Bài 4: Rau đắng đất là loại rau quen thuộc của những vùng quê. Trong rau đắng đất giàu vitamin C, chất xơ, flavonoid, saponin. Những chất này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ điều trị nhiệt miệng rất tốt. Công dụng đã được nhiều người công nhận chỉ sau một đến hai ngày sử dụng. Rau đắng đất rửa sạch, đem giã nhỏ lọc lấy nước cốt. Với người lớn có thể ngậm, với trẻ con mẹ có thể dùng tăm bông chấm vào vết loét trong một vài phút. Ngoài ra bạn có thể phơi khô rau đắng đất, rồi sắc lấy nước uống thay trà để chữa nhiệt miệng rất hiệu quả.

Ngoài ra, để làm dịu các vết nhiệt miệng, bạn có thể dùng nước là trà tươi nấu cô đặc bỏ vào khay làm đá trong tủ lạnh. Lấy viên đá trà xanh chườm vào vết loét vài lần trong ngày để làm dịu, giảm đau. 

NGUYỄN THI

(Tổng hợp)

 
;
.