Cấp bách ứng phó dịch sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong 4 tháng cuối năm dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Do đó, cả hệ thống chính trị, cộng đồng cần vào cuộc quyết liệt để thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đó là nội dung cuộc họp về SXH sáng 3/9, do ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Lực lượng chức năng huyện Côn Đảo phun hóa chất diệt muỗi trên địa bàn. Ảnh: MẠNH CƯỜNG |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, từ đầu năm đến ngày 30/8 toàn tỉnh ghi nhận 7.728 ca SXH, tăng 9,4 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 4 ca tử vong. Số ca SXH của toàn tỉnh chiếm 8,2% số ca mắc toàn khu vực phía Nam và đứng thứ 3 về số ca SXH, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Tại hầu hết các địa phương đều có số ca mắc tăng cao. Đặc biệt, tại huyện Côn Đảo, số ca SXH tăng 92 lần (288 ca); huyện Châu Đức có số ca mắc SXH tăng 30 lần (2.132 ca) so với cùng kỳ năm 2018.
Trước diễn biến phức tạp và tăng nhanh của dịch bệnh SXH, ngành y tế và các địa phương đã tiến hành các giải pháp phòng, chống bệnh gồm: Xử lý ổ dịch, điều tra côn trùng, giám sát huyết thanh, tổ chức diệt lăng quăng, xử lý dập dịch trên diện rộng, tổ chức mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH… Tính đến thời điểm này, các địa phương đã phát hiện và xử lý gần 1.600 ổ dịch lớn, nhỏ.
Tuy nhiên, tình trạng số ca SXH tăng cao, số ổ dịch phải xử lý nhiều hơn so với những năm trước đây dẫn đến việc thiếu nhân lực giám sát xử lý ổ dịch, đánh giá điều tra côn trùng trước, trong và sau phun hóa chất. Bên cạnh đó, hiện nay trung bình mỗi huyện phải xử lý 6-10 ổ dịch/ngày, nhưng trang thiết bị như máy phun của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh không đủ hỗ trợ. Do đó, tại một số ổ dịch, ngành y tế chỉ tổ chức diệt lăng quăng hoặc chỉ hỗ trợ được 1 xã, phường/ngày, chứ không thể tổ chức phun hóa chất đồng loạt tại tất cả các xã, phường cùng một thời điểm như yêu cầu của quy trình dập dịch diện rộng.
Cũng theo bác sĩ Quan, hiện nay, kinh phí dành cho phun hóa chất trên diện rộng đã không còn, trong khi số hóa chất dập dịch cũng còn rất ít dẫn đến khó khăn cho ngành y tế trong công tác phòng, chống SXH.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương cho rằng, việc tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Người dân còn lơ là việc phòng, chống dịch. Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho hay, huyện đã áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống SXH và đã giảm được số ca SXH trên địa bàn. Tuy nhiên, tỷ lệ SXH trên địa bàn vẫn còn cao, trong khi người dân còn lơ là công tác phòng, chống SXH. Thậm chí, một số hộ còn đóng cửa, không cho nhân viên y tế vào phun hóa chất dập dịch. Do đó, huyện Xuyên Mộc đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về tình hình SXH; tuyên truyền cho người dân thấy được trách nhiệm phải tham gia tích cực phòng chống bệnh.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi điều trị SXH tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: MINH THIÊN |
TẬP TRUNG NGUỒN LỰC PHÒNG CHỐNG SXH
Theo Sở Y tế, trong năm 2019, đã có sự chuyển đổi của type vi rút lưu hành ưu thế từ SXH Dengue 1 sang type vi rút Dengue 2 ở phạm vi toàn tỉnh. Dengue 2 là type vi rút gây bệnh rất mạnh, dễ dẫn đến tử vong và dễ bùng phát trên diện rộng.
Dự báo trong 4 tháng cuối năm, nguy cơ bùng phát SXH thành dịch trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Do đó, ngành y tế đưa ra các giải pháp cần tập trung thực hiện như: Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ đầu; tổ chức thường xuyên các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường; kiểm tra các điểm nguy cơ về dịch bệnh; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngành y tế cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác phòng chống SXH; tổ chức xịt hóa chất, dập dịch diện rộng trên từng địa phương.
MINH THIÊN