Nhằm hạn chế hậu quả do sự cố y khoa gây ra, từ năm 2019, Bệnh viện Bà Rịa đã triển khai quy trình báo cáo, nhận diện sự cố y khoa; qua đó đề ra biện pháp phòng ngừa sự cố y khoa hiệu quả.
Quy trình báo cáo, nhận diện sự cố y khoa, giúp bệnh viện phòng ngừa tốt hơn các sự cố y khoa. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Bà Rịa. |
BÁO CÁO SỰ CỐ Y KHOA “MỌI LÚC, MỌI NƠI”
Mới đây, một sản phụ bị xuất huyết sau sinh mổ tại Khoa Sản, Bệnh viện Bà Rịa, buộc phải chuyển viện lên Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Xác định đây là sự cố y khoa ngoài ý muốn, khoa đã lập tức báo cáo sự cố y khoa để thực hiện quy trình cảnh báo. Sự cố được xác định nguyên nhân là do sản phụ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trước đó, nhưng không được xét nghiệm và chẩn đoán sớm, nên dẫn đến xuất huyết nguy hiểm sau khi đã mổ lấy thai. Từ sự cố này, Phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện đã thiết lập yêu cầu, trong thời điểm mùa dịch SXH, cần thực hiện xét nghiệm tầm soát bệnh SXH cho các thai phụ trước khi sinh.
Trường hợp kể trên là 1 trong số 1.037 sự cố y khoa được báo cáo và xử lý kịp thời từ đầu năm 2019 đến nay; đồng thời đưa ra cảnh báo khắc phục để không lặp lại sự cố tương tự. Trong số đó, sự cố y khoa về chuyên môn là 57 trường hợp, 87 trường hợp nhiễm trùng bệnh viện, số còn lại là các sự cố trong lĩnh vực hành chính như: nhầm thông tin bệnh nhân, chuyển bệnh nhân đến sai phòng khám…
Quy trình cấp phát thuốc được thiết lập bài bản, khoa học hơn, nhằm tránh xảy ra những sự cố y khoa. Trong ảnh: Nhân viên y tế sắp xếp kiểm tra thuốc trong kho dược của Bệnh viện Bà Rịa. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, phòng ngừa sự cố y khoa là một yêu cầu bắt buộc tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, như phân tích của Bộ Y tế, việc dè dặt, che giấu các sự cố y khoa của nhân viên y tế khiến cho bệnh viện không ghi nhận được một cách chính xác các sai sót y khoa, nên chưa có những đánh giá, phân tích nguyên nhân và can thiệp kịp thời cũng như tránh tái diễn.
Vì vậy, thực hiện Thông tư 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh, từ đầu năm 2019, Bệnh viện Bà Rịa đã khuyến khích nhân viên y tế báo cáo sai sót y khoa; nâng cấp các quy trình chuyên môn chuyên nghiệp và chặt chẽ hơn trong cấp phát thuốc, chích thuốc, cấp cứu, phẫu thuật... Tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế về phòng ngừa sự cố y khoa.
TIẾP TỤC NÂNG CẤP QUY TRÌNH PHÒNG NGỪA SỰ CỐ
Cũng theo bác sĩ Hương, để nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên y tế trong việc báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa, mới đây, Bệnh viện Bà Rịa đã thực hiện ký cam kết báo cáo sự cố y khoa giữa nhân viên y tế với giám đốc bệnh viện. Theo cam kết này, mọi tình huống, sự cố có nguy cơ ảnh hưởng đến người bệnh, thân nhân, nhân viên y tế, tài sản... từ nhỏ nhất, chưa xảy ra đến các sự cố nghiêm trọng nhất liên quan đến tính mạng người bệnh đều cần được báo cáo. Giám đốc bệnh viện cam kết không chỉ trích, xử phạt bất cứ nhân viên nào báo cáo sự cố. Ngoài ra, bệnh viện cũng đang nâng cấp phần mềm báo cáo sự cố y khoa để hỗ trợ cho việc thống kê, phân tích và giải quyết nguyên nhân gốc rễ sự cố.
Bên cạnh đó, ở mỗi khoa, phòng, quy trình phòng ngừa sự cố y khoa được nâng cấp bài bản và khoa học hơn. Hàng tuần, đội giám sát, phòng ngừa sự cố y khoa (gồm 27 người) thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất ở các khoa, phòng để kịp thời nắm bắt, điều chỉnh, khắc phục những yếu tố có thể dẫn đến sự cố y khoa.
Bác sĩ Vũ Duy Tùng, Phòng Quản lý chất lượng cho hay: “Thực hiện Thông tư 43, Bộ Y tế đã tài trợ cho chúng tôi được luân phiên đi tập huấn, đào tạo tại Nhật Bản về quản lý chất lượng an toàn người bệnh. Sau khi được tập huấn, dựa trên thực tiễn của bệnh viện, chúng tôi tham mưu cho ban giám đốc để xây dựng, hoàn thiện các quy trình phòng ngừa sự cố y khoa, bảo đảm chất lượng an toàn cho người bệnh. Nhờ đó, những sự cố y khoa đã được ghi nhận và khắc phục ngày càng nhiều hơn, nâng cao sự hài lòng của người bệnh”.
Một trong những tiêu chí quan trọng của Thông tư 43 về phòng ngừa sự cố y khoa, đó là cung cấp thông tin cho người bệnh, để người bệnh tham gia vào quá trình điều trị (gọi là tiêu chí A4.1). Đây cũng là sự cố y khoa mà các bệnh viện trên cả nước gặp phải nhiều nhất. “Các thông tin bức xúc, phàn nàn về khám, chữa bệnh trên mạng xã hội, trên truyền thông mấu chốt ở tiêu chí A4.1 mà bệnh viện đang cố gắng xây dựng. Không làm tốt điều này sẽ ảnh hưởng đến người bệnh và cả uy tín của bệnh viện. Do đó, từ nay đến hết năm 2019, bệnh viện sẽ tập trung thực hiện tiêu chí này, đảm bảo người bệnh khi đến khám và điều trị tại đây đều được cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị qua từng ngày. Đồng thời, cải tiến quy trình khám bệnh như hẹn khám từ xa, khám đúng giờ hẹn; tái khám tại khoa nội trú với người bệnh xuất viện, bệnh mãn tính thay vì chờ đợi tại khoa khám…”, bác sĩ Tùng cung cấp thêm.
Bài, ảnh: MINH THIÊN