Trong số 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc vừa được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội cuối tháng 7 vừa qua, Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (huyện Long Điền) có 2 đại diện. Hai thương binh nặng Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Đình Chiểu là những tấm gương phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua bệnh tật, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
THƯƠNG TẬT KHÔNG KHUẤT PHỤC ĐƯỢC Ý CHÍ
Căn nhà của thương binh Nguyễn Văn Hạnh (khu phố Hải Sơn, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) yên bình với mảnh vườn nhỏ trước hiên. Nghe có khách đến thăm, ông Hạnh với tay lấy bộ đồ mặc vào một cách thuần thục, dù đôi mắt bị mù và hai tay đều bị cụt. Vợ ông, bà Trần Thị Mai Cúc phân bua: “Tính ổng vậy, không muốn phiền ai”.
Thương binh Nguyễn Văn Hạnh (bên phải) và vợ bà Trần Thị Mai Cúc luôn sống vui vẻ, hạnh phúc. |
Ông Hạnh SN 1950, quê ở Đồng Tháp. Tháng 3/1968, ông xung phong đi bộ đội, công tác tại đơn vị K120, Cục Hậu cần Quân y (nay là Bệnh viện Quân y 120, đóng tại Tiền Giang). Thời gian đầu, ông làm nhiệm vụ hậu cần. Càng ngày, chiến tranh càng ác liệt. Nhiều bác sĩ, y tá hy sinh hoặc bị thương nên ông được tăng cường chăm sóc cho thương binh. Trong câu chuyện của mình, ông Hạnh nhớ mãi những ngày tháng dầm mình tải thương trên những chiếc xuồng ba lá, những ngày chạy giặc, cùng đồng đội dựng trạm quân y dã chiến giữa rừng… Năm 1970, trong một trận càn của địch, ông cùng đồng đội đưa thương binh ra hầm bí mật rồi quay lại xóa dấu vết thì trúng đạn pháo. Tỉnh lại, ông đã thấy mình nằm ở quân y viện. Vết thương quá nặng, ông mất cả hai tay (tay phải cụt đến khuỷu, tay trái mất hết các ngón), hai mắt bị mù tạm thời.
Ông được đưa về hậu phương điều trị tại nhiều nơi ở Hà Nam, Ninh Bình. Trong thời gian ở Ninh Bình, ông quen và kết hôn với bà Trần Thị Mai Cúc, cán bộ Cục Hậu cần Quân khu 5, bệnh binh 1/3, cũng đang được điều trị tại đây. Sau đó, đến năm 1978, vợ chồng ông được đưa vào Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (ĐDTB và NCC). Vợ chồng ông sinh được hai người con. Người con trai là kỹ sư điện tử, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, cô con gái là GV tiếng Anh tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ, thị trấn Long Hải. Năm 1990, di chứng từ vết thương làm đôi mắt mù hẳn. Tuy vậy, người thương binh mất đến 99% sức khỏe ấy vẫn luôn giúp vợ tưới rau, làm việc nhà, cùng vợ nuôi con ăn học. “Vợ chồng tôi được hưởng trợ cấp của Nhà nước nên cuộc sống ổn định. Các con cũng đã có việc làm nên tôi rất yên tâm. Vừa rồi, tôi còn được mời ra Hà Nội nhận Bằng khen của Thủ tướng và được vào Lăng viếng Bác. Đây là lần thứ sáu tôi vào thăm Lăng Bác, lần nào cũng rất xúc động”, ông chia sẻ.
LUÔN SỐNG LẠC QUAN
Với ông Nguyễn Đình Chiểu (SN 1962, quê Phú Thọ), việc được ra Hà Nội, nhận Bằng khen của Thủ tướng là niềm vinh dự lớn. Ông Chiểu nhập ngũ năm 1983, thuộc biên chế của Sư đoàn 305, Trung đoàn 113, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1986, ông và đồng đội bị vướng mìn, ông vĩnh viễn mất đôi chân và tổn hại 96% sức khỏe.
Thương binh Nguyễn Đình Chiểu phụ giúp công việc nội trợ. |
Điều trị tại TP. Hồ Chí Minh đến năm 1990, ông được đưa về Trung tâm ĐDTB và NCC Long Đất. Cảm phục trước những hy sinh của ông, nữ điều dưỡng Trần Thị Thúy Hồng đã vượt qua rào cản gia đình, quyết tâm gắn trọn đời mình với người thương binh nặng. Bà muốn làm dịu đi vết thương chiến tranh trên thân thể ông. Khi chúng tôi đến thăm, ông Chiểu đang rửa rau, chuẩn bị nấu bữa trưa và chờ bà Hồng về ăn. “Niềm vui của tôi là những bữa cơm sum vầy cả gia đình, với vợ chồng con gái và 2 cháu ngoại cùng cậu út (SV năm cuối trường CĐ Du lịch Vũng Tàu). Hàng ngày, vợ chồng tôi trồng rau, nuôi gà, khi rảnh rỗi thì vào Trung tâm ĐDTB và NCC chơi cờ và trò chuyện với các đồng đội”, ông Chiểu cho hay.
Lễ tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc do Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 25/7 tại Hà Nội. Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng Bằng khen và ghi nhận 500 thương binh nặng “đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, là những tấm gương sáng động viên con cháu, người thân, gia đình, xã hội tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của đất nước ngày hôm nay”. |
Trong câu chuyện với chúng tôi, dù cơ thể không còn lành lặn nhưng những người thương binh nặng ấy vẫn luôn thể hiện sự vui vẻ, lạc quan, dù những vết thương trên cơ thể vẫn luôn nhức nhối khi trái gió trở trời. “Những lúc đau bệnh, bên cạnh vợ, con, chúng tôi còn có bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm chăm lo. Chúng tôi cảm thấy may mắn vì còn sống, có gia đình, con cái, chỉ thương bao đồng đội đã nằm xuống, mãi không trở về”, ông Chiểu nói, giọng chùng xuống.
Bài, ảnh: MINH THANH