Về Long Hải trẩy hội Dinh Cô

Chủ Nhật, 04/08/2019, 21:15 [GMT+7]
In bài này
.

Lễ hội Dinh Cô Long Hải là một trong những lễ hội lớn hàng năm của BR-VT. Đây được xem là ngày Tết chung của ngư dân làng chài ven biển Long Hải.

Nghi thức thỉnh Bà Thủy thần nhập điện được tổ chức trang trọng trong Lễ hội Dinh Cô Long Hải.
Nghi thức thỉnh Bà Thủy thần nhập điện được tổ chức trang trọng trong Lễ hội Dinh Cô Long Hải.

Dinh Cô là nơi thờ một nữ thánh, theo ngư phủ và đồng bào tại Nam Bộ rất hiển linh ở thị trấn Long Hải. Lễ hội Dinh Cô, thường gọi là Lệ Cô được tổ chức rất trọng thể theo nghi thức cổ truyền, hàng năm vào tháng 2 âm lịch, từ ngày 10 đến ngày 12, thu hút hàng chục vạn người từ khắp tỉnh miền Nam và Nam Trung Bộ tràn ngập về Long Hải hành hương. Đây là lễ hội đặc trưng của ngư phủ vùng biển miền Đông Nam Bộ.

Tương truyền cách đây 2 thế kỷ, một trinh nữ tên là Lê Thị Hồng, tục danh thị Cách, quê ở Phan Rang, giàu lòng nhân ái, từ bi, muốn tìm nơi thanh yên, ẩn dật. Chẳng may trong một lần ra biển, cô bị lâm nạn ở Hòn Hang khi vừa tròn 16 tuổi. Ngư dân địa phương đã chôn cất thi hài cô trên đồi Cô Sơn và lập miếu thờ ngoài bãi biển.

Năm 1930, để làm cho danh hiệu “Long Hải Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần” thêm rực rỡ, ngư dân Long Hải đã chuyển đổi miếu thờ lên núi Kỳ Vân, nơi ngày nay Dinh toạ lạc. Dinh này được xây cất rất nguy nga với dáng vẻ thanh thoát, có phong cách hoà điệu mỹ thuật tân cổ rất đẹp mắt như là một đền đài ven biển.

Lễ hội Dinh Cô ở ngoài khơi (rước Cô về Dinh) với trên 30 chiếc thuyền đánh cá lớn, kết hoa lộng lẫy, dàn hàng lớp có trật tự, hộ tống thuyền Cô như một hải đội biểu dương lực lượng.

Từ những ngày trước lễ chính thức, tất cả các thuyền đánh cá lớn nhỏ ở vùng biển Long Hải hội về thả neo giăng hàng trước Dinh để nghinh lễ hội. Ban đêm, các tàu này đốt đèn sáng rực cả vùng bờ biển, kết thành hội hoa đăng trên sóng nước. 

Lễ hội có nhiều nghi lễ trang trọng: Lễ thỉnh long vị Bà Lớn và ông Nam Hải về Dinh, cúng an vị, cúng tiền hiền, cúng cầu ngư, lễ thỉnh Bà Thủy thần nhập điện, nghi lễ cúng Cô và cầu quốc thái dân an. Trong đó, bài bản, trang trọng nhưng sôi động nhất là lễ chính với nghi lễ thỉnh Bà Thủy thần nhập điện. 

Từ rạng sáng ngày diễn ra lễ chính, hàng trăm chiếc ghe của các ngư dân tập trung ra biển trước khu di tích văn hóa lịch sử Dinh Cô để làm lễ. Vị chánh bái của Dinh Cô chủ trì làm lễ cầu ngư trên biển, rước bài vị bà Cô. Tiếp đó, đoàn trở về bờ biển Dinh Cô chuẩn bị cho lễ thỉnh Bà Thủy thần nhập điện. Trên biển Long Hải (đoạn trước khu di tích Dinh Cô), hàng trăm người mặc trang phục trong vai đội học trò lễ với giáo mác, người cầm cờ, người cầm lọng che xếp thành hai hàng dài, đủ sắc màu rực rỡ. Bên bãi biển, người dân và du khách chen chân chật ních cùng chờ đón thỉnh Bà Thủy thần nhập điện. Khi chiêng, trống nổi lên từng hồi, đoàn bắt đầu lễ thỉnh, rồng rắn nối thành hàng dài từ bãi biển về khu di tích Dinh Cô.

Tiếp đó, nghi lễ diễn ra với hình thức diễn xướng hát bả trạo, với những động tác mô phỏng việc chèo thuyền, đánh bắt cá của ngư dân. Đây là nghi lễ nhằm bày tỏ lòng kính trọng Cô và cầu mong ngư dân vươn khơi được bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá. Phía dưới sân Dinh Cô, các đoàn lân sư rồng liên tục trình diễn những bài múa, cùng trống chiêng, thanh la, chập chã rộn rã, phục vụ người dân trẩy hội. Sau nghi lễ diễn ra khoảng hơn 1 tiếng, Dinh Cô bắt đầu mở cửa phục vụ khách đến chiêm bái, cúng viếng.

Ngoài phần lễ, Lễ hội Dinh Cô còn có các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như: múa lân sư rồng, đan lưới, gánh cá, đập heo đất. Suốt những ngày diễn ra lễ hội còn có biểu diễn ra đờn ca tài tử. Hằng đêm, người dân và du khách tập trung tại sân khấu ngoài trời trước khu di tích Dinh Cô để vui chơi, nghe hát đờn ca tài tử. 

CẨM NHUNG (tổng hợp)

 

;
.