Bộ Y tế quy định mỗi bàn khám không quá 65 lượt người bệnh/ngày nhằm hạn chế tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) chạy theo số lượng mà bỏ quên chất lượng. Tuy nhiên, một số cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do thiếu bác sĩ trong khi lượng bệnh nhân thì tăng lên.
Số người đến khám bệnh tại Khoa nội, Bệnh viện Lê Lợi luôn vượt quy định. Trong ảnh: Người bệnh nhận thuốc sau khi khám ngoại trú tại Bệnh viện Lê Lợi. |
QUÁ TẢI BỆNH NHÂN...
Theo Thông tư 15/2018 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 15/7/2018) quy định với mỗi bàn khám, bác sĩ chỉ được khám 65 lượt người bệnh/ngày. Lượt khám thứ 66 trở lên chỉ được BHYT chi trả 50% chi phí khám bệnh, thậm chí không được BHYT chi trả nếu bàn khám đó liên tục vượt định mức trong một quý. Quy định này hiện đang gây ra khó khăn cho một số cơ sở KCB do tình trạng thiếu bác sĩ để bố trí tăng thêm bàn khám nhằm bảo đảm mỗi bàn khám không vượt quá 65 bệnh nhân/ngày.
Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Xuyên Mộc là bệnh viện hạng 2 tuyến huyện. Hiện nay, trung bình mỗi ngày phòng khám ngoại trú của trung tâm tiếp nhận khám từ 700 - 800 bệnh nhân, ngày cao điểm lên tới gần 900 bệnh nhân. Do số lượng bệnh nhân đông, trung tâm đã phải bố trí 15 bàn khám. Như vậy, trung bình mỗi bác sĩ thực hiện khám cho khoảng 55 bệnh nhân/ngày, không vượt quá so với quy định của Thông tư 15. Tuy nhiên, theo các bác sĩ của trung tâm, đây chỉ là con số tính toán theo mức trung bình. Còn thực tế, vào mùa cao điểm của dịch bệnh, số bệnh nhân đến khám tăng lên rất cao, đặc biệt là các khoa: Nội, Nhi. Những thời điểm này, mỗi bàn khám thường bị vượt quá 65 lượt người bệnh/ngày. Vì vậy, trung tâm không được BHYT thanh toán, hoặc giảm tiền thanh toán tiền công khám khi số lượng bệnh nhân vượt quá quy định.
Tương tự, Bệnh viện Lê Lợi cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định về lượt khám theo Thông tư 15. Lúc 14 giờ 45 phút ngày 8/8, tại phòng khám Nội khoa có hàng trăm bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám. Cả 3 phòng khám nội đều hiện số thứ tự ở mức hàng trăm, có phòng đã lên tới gần 200. Ông Trần Thanh Hải (62 tuổi, ngụ tại TP.Vũng Tàu) cho biết: “Tôi đến lấy số khám bệnh từ lúc 13 giờ, mà đến gần 15 giờ vẫn chưa đến lượt khám”. Ngồi cạnh ông Hải, một bệnh nhân khác cũng cho hay, còn phải đợi… 100 người nữa mới đến lượt mình. “Nếu muốn được khám sớm, bệnh nhân phải đi bốc số từ sáng”, bệnh nhân này nói.
Theo báo cáo của Bệnh viện Lê Lợi, trung bình một ngày các bàn khám nội khám từ 80-90 bệnh nhân/bàn, cá biệt có những bàn khám hơn 100 bệnh nhân/ngày. Do số lượt khám vượt quá quy định tại Thông tư 15 nên bệnh viện bị BHXH xuất toán tiền công khám. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, bệnh viện bị xuất toán khoảng 160 triệu đồng do không được BHXH thanh toán tiền công khám từ lượt bệnh nhân thứ 66 trở lên.
Bệnh nhân chờ làm thủ tục khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Lê Lợi. |
...THIẾU BÁC SĨ
Theo BHXH tỉnh, Bộ Y tế quy định mỗi bàn khám không quá 65 lượt người bệnh/ ngày là nhằm mục đích hạn chế tình trạng các cơ sở KCB chạy theo số lượng khám bệnh. Bác sĩ không phải khám cho quá nhiều bệnh nhân sẽ dành thời gian cho người bệnh nhiều hơn. Quy định này không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bác sĩ, bởi khi xây dựng định mức, Bộ Y tế đã căn cứ quy định KCB chuẩn và định mức lao động được khuyến nghị. Ngành BHXH không có lợi ích trực tiếp từ quy định này mà ngược lại hướng đến lợi ích của người dân. Và khi quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm tốt hơn, họ sẽ tham gia BHYT nhiều hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ sở KCB cho rằng trong tình trạng thiếu nhân lực, quá tải bệnh nhân hiện nay, quy định này đang làm khó các cơ sở y tế. Để không bị vượt định mức quá nhiều, các cơ sở KCB buộc phải chọn giải pháp tình thế bằng cách điều bác sĩ nội trú, bác sĩ trực ca ra khám ngoại trú.
Bác sĩ Hồ Văn Hải, Giám đốc TTYT huyện Xuyên Mộc cho biết, để tránh bị “vượt trần” quá nhiều trên mỗi bàn khám, trung tâm phải huy động bác sĩ nội trú, bác sĩ ca trực ra khám ngoại trú để tăng số lượng bàn khám từ 2-4 bàn trong những ngày đông bệnh nhân hoặc cao điểm mùa dịch. Ngoài ra, bác sĩ cũng tránh hẹn tái khám cho người bệnh vào các ngày đầu và cuối tuần để hạn chế tình trạng quá tải bệnh nhân và bảo đảm tất cả các bệnh nhân đều được khám bệnh trong ngày. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết mức nhưng một số bàn khám vẫn bị vượt quy định.
Ông Hải cho rằng, Thông tư 15 của Bộ Y tế là cứng nhắc, không phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, Trung tâm thiếu 15 bác sĩ nên khó có thể bố trí đủ bàn khám để bảo đảm lượt khám không vượt quá quy định. Hơn nữa, bệnh nhân thường tập trung đông vào đầu tuần hoặc cuối tuần. Có bệnh nhân là trung tâm phải tiếp nhận khám chứ không thể vì khống chế số lượt bệnh nhân/bàn khám mà từ chối. Dù vậy, trung tâm sẽ phải chịu thiệt thòi khi bị BHXH tỉnh xuất toán tiền công khám (từ lượt 66 trở lên, giảm bớt hoặc không thanh toán nếu vượt định mức trong một quý) trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT cho trung tâm. Việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của trung tâm.
Ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB tiến hành các giải pháp để khắc phục tình trạng bàn khám vượt quy định như: sắp xếp lịch khám hợp lý cho từng đối tượng bệnh nhân, điều tiết các bàn khám không để quá tải; đồng thời cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Các bệnh viện cũng cần giảm bớt lực lượng bác sĩ làm công tác gián tiếp, các bộ phận hành chính để ưu tiên bác sĩ cho công tác chuyên môn KCB.
Khi thăm khám cho bệnh nhân, dù là phải khám lượt bệnh nhân quá đông, bác sĩ cũng cần trao đổi tận tình với bệnh nhân, có sự tư vấn cho họ hiểu thêm về bệnh tình của mình. Bên cạnh đó, các bác sĩ, điều dưỡng phải luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bệnh nhân khi đi khám bệnh; chẳng hạn việc đơn giản như ghi lịch hẹn tái khám cũng cần phải để ý, nếu bệnh nhân ở xa có thể chọn cho họ thời điểm đến khám thích hợp để bệnh nhân không phải chờ đợi lâu, hoặc về nhà lúc quá muộn.
(Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế)
|
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi cũng cho hay, bệnh viện đang trong tình trạng thiếu khoảng 28 bác sĩ phục vụ cho công tác KCB. Để bảo đảm công tác KCB hằng ngày, BV phải huy động bác sĩ trực (24/24 giờ) thay vì được về nhà nghỉ ngơi theo chế độ tái tạo sức khỏe, phải ở lại tiếp tục tham gia KCB. Kể cả những bác sĩ đang nghỉ phép, khi bệnh viện có việc cần phục vụ cho công tác cấp cứu cũng phải huy động vào. Bệnh viện còn phải hợp đồng với các bác sĩ nghỉ hưu đủ sức khỏe để tham gia khám bệnh ngoại trú tại bệnh viện, để giải quyết phần nào lượng bệnh nhân đến khám bệnh hằng ngày. Bệnh viện đã đề xuất cần có chính sách thu hút, giữ chân bác sĩ có chuyên môn làm việc tại bệnh viện bằng các giải pháp mở rộng các loại hình dịch vụ y tế theo yêu cầu của bệnh nhân như dịch vụ cận lâm sàng, khám bệnh theo yêu cầu để tăng nguồn thu cho bệnh viện, từ đó tăng phần nào thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh viện đề xuất cần có thêm những chính sách của tỉnh hỗ trợ, thu hút bác sĩ về công tác tại bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu bác sĩ.
“Do thiếu bác sĩ nên rất khó để có thể bố trí tăng thêm bàn khám. Khi bị xuất toán BHYT, về lâu dài, bệnh viện sẽ không có đủ kinh phí chi cho hoạt động bệnh viện”, bác sĩ Phước nói.
Bài, ảnh: MINH THIÊN