Hơn 3 năm nay, dù bận bịu với đủ thứ việc, nhưng ông Võ Minh Cường (SN 1976, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ) vẫn cần mẫn thu gom, phân loại ve chai từ rác thải để bán lấy tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Ông Võ Minh Cường phân loại ve chai tại các điểm tập kết rác thải của người dân. |
Chúng tôi đến nhà ông Võ Minh Cường ở tổ 3, thôn Phước Thành vào cuối buổi chiều, đúng lúc ông đang phân loại vỏ lon bia, chai nhựa, bìa carton và giấy vụn. Ông Cường phân bua: “Tôi phân loại ve chai để bán lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Tuy cực chút nhưng mỗi lần thấy những mảnh đời kém may mắn vui vẻ khi nhận sự giúp đỡ của mình, bao mệt mỏi đều tan biến”, ông Cường chia sẻ.
Đầu năm 2016, ông Cường được người dân thôn Phước Thành giao thu gom rác tại khu dân cư. Trong quá trình làm việc, ông Cường nhận thấy việc phân loại rác thải sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm, đồng thời tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cùng với việc thu gom rác, ông Cường còn tranh thủ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động các hộ dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình. Kết quả, hơn 70% hộ dân đăng ký tự phân loại rác thải, để riêng rác hữu cơ và các loại rác thải nhựa, phi kim khó phân hủy.
Nhận thấy nhiều HS nghèo trong thôn có tinh thần học tập tốt, ông Cường luôn trăn trở tìm cách hỗ trợ các em. Tuy nhiên, việc vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm ngày càng khó, trong khi các loại vỏ chai nhựa, ly nhựa, túi nilon... thu gom được có thể bán lấy tiền. Vậy là mỗi lần đi thu gom rác, ông Cường lại treo chiếc bao tải lớn trên xe để đựng vỏ chai nước, vỏ lon bia, lon nước ngọt mà người dân đã phân loại sẵn… Về nhà, ông Cường lại cất công phân loại phế liệu. Hàng tuần, ông mang đến điểm thu mua phế liệu bán lấy tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo.
Để có thể giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, trong quá trình đi thu gom rác, ông Cường tranh thủ gặp các chủ quán cà phê, quán ăn, quầy tạp hóa vận động họ đóng góp phế liệu. “Ban đầu, nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ động cơ của mình nhưng tôi kiên trì thuyết phục và chứng minh cho họ thấy. Theo thời gian, thấy tôi thật lòng muốn giúp đỡ người khó khăn, nhiều chủ quán dần hiểu ra và tích cực hỗ trợ. Ai có phế liệu, thậm chí là quần áo cũ, sách vở muốn tặng cho trẻ em nghèo đều để dành và gọi tối đến để nhờ trao giúp”, ông Cường nói.
Từ tháng 10/2018 đến nay, ông Cường đã thu được 3,1 triệu đồng từ bán phế liệu. Ông Cường đã mua 2 thẻ BHYT tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 1 triệu đồng cho chị KaYam (người dân tộc Châu Mạ ở thôn Phước Thành) điều trị bệnh. Ngoài ra, từ đầu năm 2019 đến nay, ông Cường còn vận động các tổ chức phật giáo trên địa bàn thôn, như: Tu viện Minh Đạo, Thiền viện Minh Đức, Tổ đình Linh Sơn (chùa Tây Phương núi Dinh) trao 250 suất quà (trị giá 100 ngàn đồng/suất) cho hộ nghèo và 21 suất học bổng (trị giá 300 ngàn đồng/suất) cho HS nghèo vượt khó nhân các dịp lễ, Tết…
Trên cương vị là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Phước Thành, hơn 5 năm qua, ông Cường cùng các thành viên trong Chi bộ thôn duy trì hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” vận động người dân đóng góp tiền để chăm sóc 4 người già neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thôn với số tiền 400 ngàn đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Út (SN 1956 ở tổ 1, thôn Phước Thành) bị bệnh hen suyễn từ nhiều năm nay. Chi phí sinh hoạt hằng ngày của bà Út chỉ dựa vào khoản thu nhập từ việc làm thuê chưa đến 3 triệu đồng/tháng của vợ chồng người con trai. Vì vậy, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Bà đã được Chi bộ thôn vận động hỗ trợ 400 ngàn đồng/tháng. “Các cô, chú trong thôn thường xuyên đến nhà thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ tiền hàng tháng. Khoản tiền hỗ trợ 400 ngàn đồng/tháng, tôi dùng để mua gạo, nước mắm, dầu ăn... Nhờ đó, gia đình tôi đỡ cực phần nào”, bà Út xúc động nói.
Ngoài ra, ông Cường còn là một trong 20 thành viên của nhóm thiện nguyện Tân Hòa (TX. Phú Mỹ). Hàng tháng, ông đóng góp 300 ngàn đồng để thăm, tặng quà trẻ mồ côi, người già neo đơn trên địa bàn TX. Phú Mỹ. “Thấy tôi ôm đồm nhiều việc xã hội nhưng vẫn tự mình góp nhặt ve chai giúp người khó khăn, nhiều người hỏi vì sao ông phải tự làm khổ mình như vậy. Tôi chưa bao giờ thấy cực khổ vì điều đó mà ngược lại, tôi thấy vui vì việc làm của mình có ý nghĩa”, ông Cường tâm sự.
Bài, ảnh: MINH NHÂN