Cô Xuân từ ngày lấy chồng, vui sướng thế nào không rõ nhưng nhan sắc ngày một tiều tụy. Khi sưng đầu, lúc bầm tím mắt, thậm chí còn có lúc nhập viện băng bó tay chân, cô phải nằm liệt giường liệt chiếu. Hàng xóm xì xào cô vớ phải anh chồng không ra gì, “sáng xỉn, chiều say, tối lai rai, sáng mai nhậu tiếp”. Đã thế anh ta còn cao hứng đánh vợ, thỉnh thoảng gây náo động, ầm ĩ cả xóm. Do đó, cán bộ hội phụ nữ đến tìm nhà đặng can thiệp, giúp đỡ, tư vấn cô thoát khỏi tình trạng tệ hại đang diễn ra. Điều khiến ai nấy bất ngờ là lúc ấy, như người máy đã lập trình, cô tuôn ra những lời ca ngợi chồng lên tận chín tầng mây xanh. Nào chồng cô là người chịu thương, chịu khó, yêu vợ thương con, có trách nhiệm gia đình… xứng đáng được cấp bằng khen người chồng gương mẫu! Khi người trong cuộc không hợp tác thì người ngoài chỉ bó tay.
Do tâm lý “xấu chàng hổ thiếp” nên nhiều người cố tình giấu sự thật. Dù hằng đêm ngậm đắng nuốt cay nhưng bề ngoài vẫn hơn hớn, cười nói thể hiện đang sống cực kỳ hạnh phúc. Nghĩ cho cùng đó cũng là phương thức tự đánh lừa, tự an ủi cho “qua truông” nên sau đó, mọi việc lại tiếp diễn. Phải cắn răng chịu đựng một mình. Sống trong tâm thế ấy, đâu là nguồn vui sống? Tại sao chính mình phải gánh chịu mà không tìm cách giải quyết tích cực hơn?
Anh chàng nọ lúc đám cưới, mọi người bảo “chuột sa hủ nếp” bởi dân tỉnh lẻ, nhà nghèo nhưng lại lọt vào “mắt xanh” của chị Thủy - “nhà mặt phố, bố làm quan”. Chị nghĩ, vị hôn phu là một trí thức tài năng, lịch lãm, có bằng cấp này nọ, quan hệ xã hội rộng, quen biết nhiều VIP. Sau khi chung sống, chị mới biết “bị thuốc” bởi những lời “có cánh” trước đó, chứ thật ra anh ta thuộc hạng xoàng. Rất xoàng. Chỉ là tay lêu têu, làm nghề “thợ đụng” nghĩa là “đụng gì làm nấy”, chỉ có mỗi cái tài mồm mép trơn như bôi mỡ chẳng ai bì. Tuy thế, với bạn bè, họ hàng gia đình vì sĩ diện mà trước đó mọi người đã khuyên can nhưng vẫn nằng nặc cưới cho bằng được nên bây giờ, chị phải bấm bụng… nói dối. Chị ca ngợi chồng đang ngày đêm lao tâm khổ tứ, đầu tư chất xám nghiên cứu công trình khoa học. Nghe thế, ai nấy ngưỡng mộ, mà chị cũng “đẹp mặt” nữa. Nếu chỉ vậy, chẳng sao, nhưng khổ nổi anh ta có thú vui “tao nhã” nhất là mê đánh bạc. Chị Thủy ngán ngẫm lắm nhưng đã lỡ “khoe”, bốc thơm chồng thuộc hạng “number one” nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Rõ ràng, sống trong sự chịu đựng nhưng rồi trước đám đông cũng phải “nói tốt” cho chồng/vợ chẳng phải cực hình đó sao? Có những đôi uyên ương, do biết “một nửa” giở chứng “ăn nem” nên cay cú “ăn chả” như sự trả đũa. Sự việc đến nước này, chắc chắn họ ly dị chứ? Không hề. Dù chung một nhà, hằng đêm “bế môn tỏa cảng” nhưng do cương vị đang đảm nhiệm, mối quan hệ xã hội đang được trọng vọng nên họ đành giữ kín như bưng. Việc ai nấy làm. Gường ai nấy ngủ. Miễn sao người ngoài nhìn vào cứ nghĩ họ đang hạnh phúc, vậy là được. Chẳng rõ, con cái chứng kiến mối quan hệ giả tạo này sẽ nghĩ gì về bố mẹ?
Trong cuộc sống, chẳng ai dại dột bất chấp dư luận, đạp lên dư luận mà sống nghênh ngang theo sở thích cá nhân. Tuy nhiên, có những trường hợp phải dũng cảm đối mặt, chứ không vì sợ thiên hạ biết chuyện mà tìm mọi cách né tránh. Đã có nhiều người âm thầm chịu đựng, bao che cái xấu, khiếm khuyết của vợ/ chồng, không dám tâm sự, cầu cứu ai khác chỉ vì sỉ diện hảo rồi đến lúc tự nó sẽ “bung ra”. Lúc ấy, sự việc trở nên trầm trọng hơn mà bạn bè anh em, hàng xóm láng giềng thương tình can thiệp, tư vấn cũng đã muộn.
Mục đích hôn nhân còn là niềm vui sống. Một khi nhận thấy nhịp sống ấy “trật đường ray” thì cần thẳng thắn nhìn nhận, mổ xẻ, chẳng việc gì phải âm thầm đau khổ, nuốt nước mắt từng ngày. Hãy tin, hướng giải quyết tích cực bao giờ cũng được sự đồng tình của dư luận.
LÊ MINH QUỐC