Một cuộc đoàn viên giữa những đứa trẻ bị bỏ rơi và mẹ ruột đã diễn ra đầy xúc động tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh. 8 trẻ em (từ 12 đến 15 tuổi) được trở về trong vòng tay của mẹ sau nhiều năm xa cách.
Chứng kiến cảnh những đứa trẻ òa khóc khi gặp lại người mẹ đã từng bỏ rơi chúng hàng chục năm trước, lòng tôi quặn lại. Tôi nghĩ về ngày những đứa trẻ bơ vơ, gào khóc ở cổng Trung tâm xa lạ vì không có mẹ. Tôi nghĩ đến hình ảnh người mẹ đành lòng quay đi, bỏ lại phía sau những đứa con thơ dại. Nhưng tháng ngày đau đớn đó đã xa…
Cho dù, ai đó, có thể không cảm thông cho hành động trước đây của những người mẹ đó, thì cũng khó định đúng sai một cách rõ ràng. Những đứa trẻ hôm nay đã khôn lớn, thành người, đã được bao bọc, che chở bởi những người mẹ khác ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh, hẳn chúng đã may mắn hơn nhiều so với những đứa trẻ lang thang mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp trên phố - nơi mà hoàn cảnh sống bơ vơ và những cạm bẫy của cuộc sống có thể tha hóa và đẩy chúng đến những con đường đau đớn hơn.
Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trung tâm (giữa) dặn dò hai em H.Th, H.Tr cố gắng học, nghe lời mẹ, trở thành người tốt, có ích cho xã hội. |
DỨT RUỘT XA CON
Tôi đặc biệt chú ý đến 2 chị em ruột L.H.Th (2005) và L.H.Tr (SN 2006), không chỉ bởi ngoại hình giống nhau mà còn vì các em liên tục lau nước mắt khi ngồi trò chuyện với các bảo mẫu. “Con nửa muốn về với mẹ T., nửa muốn ở lại với các mẹ của Trung tâm. Từ nhỏ con đã ở đây, Trung tâm không khác gì ngôi nhà của con cả”, H.Th nghẹn ngào. Ngồi kế bên, mẹ ruột của 2 em, chị Dương Thị Bích T. (34 tuổi) nắm chặt tay 2 con, rồi cả 3 mẹ con cùng khóc.
Chị Bích T. lập gia đình khi mới 18 tuổi. Ba năm sau, vợ chồng ly dị khi chị đã là mẹ của 2 đứa con. Chị hết làm mướn, lại đi bán vé số, phụ hồ mà vẫn không đủ tiền nuôi con, trong khi ba mẹ ruột cũng khó khăn. “Bí bách quá nên năm 2010, tôi mang 2 con đến trước cổng Trung tâm công tác xã hội tỉnh. Dặn các con đứng đợi, mẹ đi mua bánh. Trốn ở một góc khuất theo dõi các con nghe con khóc tìm mẹ, lòng tôi quặn thắt. Đến khi thấy bác bảo vệ ra dắt 2 con vào, tôi gạt nước mắt bước đi và tự hứa khi kinh tế đỡ khó khăn sẽ quay lại đón con về”, chị T. nghẹn ngào.
Hôm sau, chị T. mua vé tàu ra Côn Đảo, làm đủ nghề để mưu sinh. Sau đó, chị được nhận vào một công ty du lịch, rồi được công ty tạo điều kiện cho đi học cao đẳng, đại học và hiện làm hướng dẫn viên du lịch tại Côn Đảo. Giờ đây, kinh tế ổn định, chị quay về đón con.
“CON KHÔNG GIẬN MẸ ĐÂU”
5 năm kể từ lúc xa con, chị mới quay lại Trung tâm công tác xã hội tỉnh. Ban đầu, chị giấu thân phận thật, nhưng qua vài lần tiếp xúc, 2 bé Th., Tr. đã nhận ra mẹ và quấn quít bên mẹ. Chị Bích T. bảo: “Lúc đó tôi lại không có đủ giấy tờ chứng minh quan hệ với các bé, công việc cũng chưa ổn định nên tôi nén lòng quay lại đảo làm việc”. Từ đó, mỗi năm chị đều cố gắng ít nhất một lần về thăm con.
Hai đứa trẻ ngày nào ngơ ngác nắm tay nhau khóc vì lạc mẹ, giờ đã cao lớn, luôn nhiệt tình với các hoạt động văn nghệ, TDTT ở Trung tâm, ở trường, lớp nơi các em theo học. Th. nói “Con nhớ mãi ngày đầu vào Trung tâm, mẹ Hồng (bà Lê Thị Hồng, khi đó là Giám đốc Trung tâm) đã đón chúng con, ôm 2 chị em và nói các cô cho chúng con đi tắm, đi ăn. Ban ngày, có các cô, các bạn, chúng con vui lắm, nhưng tối đến, em khóc cả đêm vì nhớ mẹ. Ai dỗ cũng không nín. Lúc đó, con buồn lắm. Nhưng sau này, khi được các cô, các mẹ ở Trung tâm dạy bảo, con đã hiểu nỗi khổ của mẹ nên không còn giận mẹ nữa”. Còn với Tr., thì: “Được về với mẹ là ước mơ của 2 chị em con, nhưng con cũng thương các mẹ, các cô ở Trung tâm. Mẹ Sương đã chăm lo cho 2 chị em con từ những ngày đầu vào Trung tâm; mẹ Loan dạy con nhặt rau, nấu ăn; mẹ Hằng dạy con cách sống, biết làm việc thiện giúp đỡ người khác”.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đi vào hoạt động từ năm 1997, hiện nuôi dưỡng 41 trẻ. Ngoài em H.Th, H.Tr, trong ngày 31/7, Trung tâm đã bàn giao 6 em khác cho gia đình, người thân. Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trung tâm cho biết, thông thường, sau khi tiếp nhận các bé, cán bộ Trung tâm phải xác minh nhân thân của các em. “Với các bé từ 3 tuổi trở lên, chúng tôi có thể nắm được một số thông tin cơ bản, nhưng các cháu nhỏ hơn, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì hầu như không thể tìm hiểu được gì. Chăm lo cho các cháu từ nhỏ, các cô cũng mến tay mến chân, không muốn rời xa. Nhưng các cháu có quyền được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng liên hệ và vận động phụ huynh đón con về”, bà Liên chia sẻ.
|
9 năm là một khoảng thời gian dài, đủ để chị T. trải qua những nỗi đau khổ dằn vặt, những đêm dài quằn quại nhớ con.
Chuyến tàu đưa 3 mẹ con chị T. ra Côn Đảo, mở ra một chương mới cho cuộc đời 2 cô bé. Từ nay, các em sẽ được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Bài, ảnh: MINH THANH