Nơi ghi dấu "chứng tích chiến tranh"

Thứ Sáu, 16/08/2019, 21:04 [GMT+7]
In bài này
.

Có thể nói như vậy khi đến Trung tâm Thương binh và người có công Long Đất (ĐDTB&NCC), TT.Long Hải, huyện Long Điền. Bởi dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau về nó vẫn hiển hiện trên cơ thể không còn lành lặn của mỗi thương, bệnh binh. Để bù đắp, xoa dịu phần nào nỗi đau, các y, bác sĩ nơi đây đã tận tình chăm sóc các thương, bệnh binh (TBB) bằng cả tấm lòng. 

Bác sĩ Trần Trọng Phong, Phó phòng y tế phục hồi,  Trung tâm Điều dưỡng TBB và NCC Long Đất đo nhịp tim cho thương binh Ngô Văn Trao.
Bác sĩ Trần Trọng Phong, Phó phòng y tế phục hồi, Trung tâm Điều dưỡng TBB và NCC Long Đất đo nhịp tim cho thương binh Ngô Văn Trao.

MỘT NGÀY Ở TRUNG TÂM

7 giờ sáng, bác sĩ Trần Trọng Phong khoác chiếc áo blouse trắng đi từng phòng thăm khám, kiểm tra sức khỏe của các TBB. “Các cô chú, các bác đều lớn tuổi, phần lớn mất tới 90% sức khỏe nên giờ mắc nhiều bệnh, cần theo dõi kỹ lưỡng”, bác sĩ Phong nói. 

Có thể nói Trung tâm ĐDTB&NCC giống như một ngôi nhà chung của các TBB nặng. Mọi người đều quen và thân thiết. Thấy bác sĩ Phong, ông Ngô Văn Trao, TBB nặng ¼ (mất 94% sức khỏe) nói: “Mấy hôm rày thời tiết thay đổi, tôi nhức mỏi quá bác sĩ”. Bác sĩ Phong cẩn thận nghe nhịp tim, đo huyết áp và lấy tay xoa bóp nhẹ lên đôi chân đã bị liệt của ông Trao, động viên: “Để con kê thuốc cho bác”. Ông Trao sinh năm 1939, quê ở Tây Ninh, nhập ngũ năm 1961. Năm 1969, ông bị thương. Sau vài năm điều trị tại TP.Hồ Chí Minh, năm 1978, ông được đưa về Trung tâm cho đến nay. “Với tôi, Trung tâm như ngôi nhà của mình, nơi tôi gắn bó suốt 41 năm qua. Những đồng đội khác và cán bộ nơi đây như người thân của tôi vậy. Chúng tôi gắn bó, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau”, ông Trao nói. 

Lần lượt 18 TBB được bác sĩ Phong kiểm tra sức khỏe, vừa làm, họ vừa trò chuyện vui vẻ. Sau đó, các TBB bắt đầu ăn sáng, tỉa cây hoa trước cửa phòng, cho mấy con gà ăn hoặc nhàn tản chơi cờ tướng. 

Trong khi đó, tại Khoa tâm thần, nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc 20 TBB bị chấn thương não, công việc của các y, bác sĩ và hộ lý bắt đầu sớm hơn. 5 giờ 30, kíp trực đã đi từng phòng, đánh thức các TBB dậy, vệ sinh cá nhân, tập thể dục buổi sáng. “Có người chúng tôi gọi nhẹ nhàng, nhưng cũng có người phải la lớn lên thì mới chịu nghe. Những mảnh đạn còn nằm trong đầu khiến các TBB tại đây lúc nhớ lúc quên, có người gần như mất trí nhớ hoàn toàn, nên công tác chăm sóc cũng đặc biệt hơn”, bác sĩ Bùi Quang Hoàn, công tác tại khoa nói. 

Bác sĩ Hoàn kể vanh vách sở thích của từng TBB tại khoa: Chú Nguyễn Văn Ny thích ăn các món mềm, cô Trương Thị Nguyệt thích bánh mỳ chấm sữa; chú Sơn, chú Bửu thì thích ăn bánh bao, phở hoặc bún; cô Trương Thị Mong thích được giao việc để làm như quét sân, dọn cơm… Tuy trò chuyện với chúng tôi, nhưng bác sĩ Hoàn vẫn dõi theo các TBB để quan sát từng người. Bởi như bác sĩ Hoàn giải thích: “Một số cô, chú bị thương nặng, dễ lên cơn động kinh nên phải chú ý để kịp thời xử lý”. 

COI CÁC CÔ, CHÚ TBB NHƯ NGƯỜI NHÀ

Có mặt ở Trung tâm một ngày mới thấy, để có được sự bình yên ấy, các y, bác sĩ và hộ lý phải làm việc liên tục. Khoa tâm thần có 17 người, gồm bác sĩ, y sĩ, hộ lý, chia làm 2 nhóm để trực. Mỗi ca trực kéo dài 24 giờ. “Do hầu hết bệnh nhân không tự chủ được sinh hoạt cá nhân nên chúng tôi phải giúp họ, từ việc tắm rửa, vệ sinh đến thay giặt drap, chăn mền”, chị Trần Thị Nguyệt, hộ lý tại Trung tâm kể.

Trung tâm ĐDTB&NCC Long Đất hiện chăm sóc 58 TBB nặng, bị liệt, cắt cụt chi, bị tâm thần nặng, mất sức trên 90%. Nhiều TBB không có gia đình riêng, không con cái, lại mất hết trí nhớ, một số người ở Trung tâm từ khi mới thành lập (1977) đến nay. Ngoài hoạt động thường nhật, như trồng rau, chơi cờ, nuôi gà, đọc sách, vào các dịp lễ, tết, Trung tâm còn tổ chức giao lưu văn nghệ, viết báo tường, đua xe lăn, cờ tướng... để giúp TBB vui hơn, sống yêu đời hơn - Bác sĩ Tống Đức Bình, Giám đốc Trung tâm cho biết.

Ngoài chăm sóc tại chỗ, mỗi khi TBB bị bệnh nặng phải điều trị, phẫu thuật là các hộ lý của Trung tâm lại đi theo nuôi người bệnh. “Các cô, chú đều lớn tuổi, lại bị thương, sức khỏe yếu, nên dễ đau bệnh. Việc chúng tôi phải vắng nhà để chăm nuôi các TBB ở bệnh viện là bình thường. Mỗi lần đi chăm bệnh kéo dài từ 5-10 ngày, có khi còn lâu hơn, mọi việc ở Trung tâm các hộ lý khác phải “gánh” dùm, công việc nhà thì chồng, con lo. Cũng may chồng tôi hiểu và thông cảm cho vợ nên tôi toàn tâm toàn ý lo cho TBB như con cái lo cho ba mẹ mình”, chị Nguyệt nói thêm.

Từ trách nhiệm, đội ngũ, cán bộ, y bác sĩ tại Trung tâm đã gắn bó với các TBB bằng tình thương, lòng cảm phục. Đối với mỗi cán bộ, nhân viên nơi đây, việc chăm lo mỗi ngày cho các TBB nặng, giúp họ vơi nỗi đau trong chiến tranh vừa là công việc, vừa là tình yêu thương, là đạo lý uống nước nhớ nguồn dành cho lớp người đi trước, vì cuộc sống bình yên hôm nay mà bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường. 

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 

;
.