Nhớ ngày "Tháng Tám giỗ cha"

Thứ Sáu, 02/08/2019, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Dân gian có câu “Dù ai buôn xa bán xa/ 20 tháng Tám giỗ Cha thì về” để nói đến ngày giỗ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hàng năm vào ngày 20/8 Âm lịch, tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (số 68, Hạ Long, phường 2, TP.Vũng Tàu) đều tổ chức lễ giỗ Đức Thánh, là dịp để mọi người tưởng nhớ, ghi ơn một vị tướng tài của dân tộc.

Hàng năm vào ngày 20/8 Âm lịch, tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (68, Hạ Long, phường 2, TP.Vũng Tàu) diễn ra lễ giỗ Đức Thánh Trần để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài của dân tộc. Trong ảnh: Nghi thức dâng hương tại lễ giỗ Đức Thánh Trần.
Hàng năm vào ngày 20/8 Âm lịch, tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (68, Hạ Long, phường 2, TP.Vũng Tàu) diễn ra lễ giỗ Đức Thánh Trần để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài của dân tộc. Trong ảnh: Nghi thức dâng hương tại lễ giỗ Đức Thánh Trần.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là con An Sinh Vương Trần Liễu và bà Nguyệt phu nhân. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo gắn với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhân dân Đại Việt. Sinh thời, ông luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chăm lo mối đoàn kết dân tộc, dạy tướng sĩ phải hòa thuận, trên dưới một lòng. Đại Vương mất ngày 20/8 năm Canh Tý (1300) tại dinh thự Vạn Kiếp nay thuộc xã Chí Linh (Hải Dương). Sau khi mất, ông đã được vua Trần phong tặng: “Thái sư thượng phụ quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”, nhân dân đã tôn ông là Đức Thánh Trần. Đền thờ Đức Thánh Trần là một địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng không chỉ riêng ở Vũng Tàu mà còn ở nhiều địa phương khác trên khắp đất nước. Người ta thờ Trần Hưng Đạo không chỉ đơn thuần vì ông là một vị tướng tài (3 lần đánh đuổi quân Nguyên Mông) mà còn là một vị Thánh trong tâm thức người Việt.

Hơn 700 năm qua, Hưng Đạo Đại Vương đã ngự trị trong tiềm thức của nhân dân như một người cha, một vị thánh của dân tộc. Ngày giỗ của Đại Vương, khắp đất nước, ở đâu có đền thờ Đại Vương, ở đấy đều tổ chức giỗ. Dịp này, nhân dân thập phương, bá tánh về, tập hợp dâng lễ vật và thắp hương để tưởng nhớ đến Đại Vương, vị anh hùng dân tộc.

Ông Trần Quang Châu (tên tự là Công Trang) là Hội trưởng Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo từ năm 2000 đến nay. Đã 87 tuổi nhưng ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Theo lời ông Công Trang kể, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại TP.Vũng Tàu được xây dựng từ năm 1955, đến năm 1957 thì hoàn thành. Từ khi Đền được khánh thành, đã có 3 đời Hội trưởng, gồm: cụ Nguyễn Văn U, cụ Đồng Thái Nghi và hiện là cụ Trần Quang Châu. Ngoài Hội trưởng, Ban trị sự của Đền còn có 5 hội phó và 14 người giúp việc Hội trưởng điều hành các công việc của Đền. “Lễ giỗ được tổ chức với những nghi thức cúng tế truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đã được gìn giữ từ đời này sang đời khác tại địa phương. Lễ giỗ diễn ra trong 3 ngày: Ngày 19/8 Đền tổ chức lễ cáo yết, ngày 20 là lễ chính và 21/8 là lễ tạ. Lễ cáo yết được tổ chức trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống với các nghi lễ như dâng hương, dâng các cỗ lễ chay, lễ mặn, tế xin phép mở hội, cũng như cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt... Ngày lễ chính, mọi người dâng lễ vật cúng Thánh, các đại biểu, nhân dân và du khách đã cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của một vị tướng tài, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc đồng thời dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ Đức Thánh Trần. Cũng theo nghi thức truyền thống, những lễ vật dâng cúng sau đó được chia lộc thánh cho tất cả mọi người. Ngoài cúng Thánh, Đền còn tổ chức cúng hậu từ (những người xây đền đã mất) và chúng sinh.

Khác với một số địa phương, lễ giỗ Đức Thánh Trần tại TP.Vũng Tàu tuy không có phần hội, nhưng vẫn thu hút đông đảo du khách và cư dân địa phương. Bà Lý Thị Hạnh (hẻm 171, Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) cho biết, bà sống tại TP.Vũng Tàu đã hơn 20 năm. “Con gái tôi lập gia đình và đến tỉnh khác sống, nhưng vào tháng Tám hàng năm vẫn cùng chồng, con về để cùng cả nhà dự lễ giỗ Đức Thánh. Tuy ngày giỗ Đức Thánh chỉ có múa lân, không tổ chức các hoạt động hội khác, nhưng lễ cúng vẫn mang nét đẹp truyền thống, mỗi người đều mang mâm lễ gồm xôi, gà, heo, nhang, bông, trái cây… thành kính dâng Đức Thánh. Tuy đông nhưng vẫn trật tự. Mỗi người thành kính thắp 1 cây nhang cảm tạ vị tướng tài, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, và mong những điều tốt đẹp với bản thân, gia đình, bạn bè”, bà Hạnh nói.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.