Ngọt ngào bánh canh cá lóc Bình Ba

Thứ Tư, 07/08/2019, 20:30 [GMT+7]
In bài này
.

“Bánh canh cá lóc Bình Ba là món ăn thiệt ngọt ngào, đậm vị!”, đó là nhận xét của nhiều người khi đã từng thưởng thức món bánh canh cá lóc quán Phúc Lân-một quán bánh canh lâu đời, nổi tiếng ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

Tô bánh canh cá lóc hấp dẫn thực khách của quán Phúc Lân, xã Bình Ba,  huyện Châu Đức.
Tô bánh canh cá lóc hấp dẫn thực khách của quán Phúc Lân, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

Bà Trần  Thị Lân, chủ quán bánh canh Phúc Lân cho biết, bà bán món ăn này gần 30 năm và luôn giữ được hương vị riêng. Thời gian đầu, bà Lan chỉ nấu bánh canh phục vụ bữa ăn sáng cho bà con trong xóm. Sau này, thấy mọi người khen ngon, bà mở rộng quán, tiếng lành đồn xa, thực khách tìm đến ngày càng nhiều, tạo dựng nên được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “bánh canh cá lóc Bình Ba”. 

Nói về cách thức nấu món bánh canh cá lóc, bà Lan cho hay: Việc chọn nguyên liệu rất quan trọng cho việc làm bánh canh, đó phải là loại gạo ngon, sạch, dẻo, còn vỏ cám cho có vị ngọt tự nhiên của hương lúa. Sau khi vo, ngâm trong khoảng thời gian nhất định, gạo được vớt ra rửa sạch rồi cho vào máy xay thành bột. Để sợi bánh canh có độ dai thì pha thêm bột năng theo tỷ lệ 9kg gạo và 1kg bột năng. Đem hỗn hợp bột cho vào tấm vải sạch vắt kiệt nước mới đưa vào nồi hấp chín. Tiếp đến, bột chín được cho vào thau quết để tăng độ dai, cán thành lớp mỏng rồi đem xắt thành sợi dài khoảng 5-7cm, có cạnh vuông góc chứ không tròn như sợi bún. Sợi bánh canh Phúc Lân không dùng chất bảo quản, nếu để trong tủ lạnh thì thời gian sử dụng chỉ được trong vòng 2 ngày. 

Khách thưởng thức món bánh canh cá lóc tại quán Phúc Lân 1, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.
Khách thưởng thức món bánh canh cá lóc tại quán Phúc Lân 1, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

Cá lóc là nguyên liệu chính để có được một tô bánh canh ngon ngọt. Cá lóc nguyên liệu phải chọn loại đầu nhím (đầu nhỏ, nhọn hơn các loại cá lóc thông thường), còn sống. Cá được đánh vảy, dùng ít muối hột rắc lên mình cá để khoảng 3-5 phút rồi chà mạnh cho sạch nhớt. Cá được ướp đường, muối, bột ngọt trong khoảng 20 phút rồi cho vào xửng, bỏ thêm mấy củ hành tím đập dập, ít tiêu bột rồi đun nhỏ lửa hấp khoảng 30 phút cho cá thấm gia vị, thấy da cá nứt, vừa chín tới là vớt ra, tránh để lâu sẽ làm khô cá, không ngon. Khi cá nguội, tách thịt cá thành từng miếng, xương cá thì nấu nước dùng (nước lèo). “Nếu nước lèo mà dùng xương heo để nấu thì không còn gọi là bánh canh cá lóc. Do đó, nước dùng được nấu hoàn toàn từ xương cá lóc và một số loại gia vị để tăng độ thơm ngọt tự nhiên cho tô bánh”, bà Lân chia sẻ. 

Bánh canh cá lóc ăn lúc nóng cùng với hành tăm, gừng thái sợi, ngò rí, hành lá, rau má, rau đắng, rau tía tô, chanh, ớt… sẽ tăng thêm hương vị cho món ăn ngon khó cưỡng.

Chị Nguyễn Thị Dung (nhà ở đường Bắc Sơn, Phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, bánh canh cá lóc là món khoái khẩu của các thành viên trong gia đình chị. Tại TP.Vũng Tàu cũng có một số quán bánh canh cá lóc, nhưng có lần người quen rủ đi Bình Ba ăn bánh canh cá lóc ở quán Phúc Lân, chị cảm thấy rất hợp khẩu vị. “Vào ngày nghỉ cuối tuần, gia đình tôi đều đi Bình Ba để thưởng thức món ăn này”, chị Dung chia sẻ. Còn anh Nguyễn Đức Trung (ngụ quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hầu như mỗi khi về thăm cha mẹ đang sinh sống ở TP.Bà Rịa, lần nào anh cũng đều đưa vợ con đến ăn bánh canh cá lóc ở quán Phúc Lân 2 là chi nhánh của bánh canh cá lóc Bình Ba mở ngay tại TP.Bà Rịa. 

Hiện nay, bánh canh cá lóc Phúc Lân có 3 chi nhánh, gồm: quán Phúc Lân 1 tại xã Bình Ba, quán Sương tại TT.Ngãi Giao ở huyện Châu Đức và Phúc Lân 2 ở TP.Bà Rịa. 

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

;
.